Nền kinh tế Mỹ sắp hứng chịu hậu quả vì thuế quan mà Tổng thống Donald Trump áp lên hàng hóa Trung Quốc. (Ảnh minh hoạ: Financial Times).
Sau khi chính quyền Tổng thống Donald Trump nâng thuế quan đối với hàng hoá Trung Quốc lên 145% vào đầu tháng 4, lượng hàng hóa vận chuyển từ đất nước tỷ dân sang Mỹ đã lao dốc thê thảm. Theo một ước tính, mức giảm thực tế có thể lên đến 60%.
Hiện tại, đa số người tiêu dùng Mỹ chưa bị ảnh hưởng bởi cuộc thương chiến giữa Mỹ và Trung Quốc. Tuy nhiên, điều đó sẽ sớm thay đổi.
Đến giữa tháng 5, hàng nghìn công ty - bất kể lớn hay nhỏ - sẽ cần bổ sung hàng tồn kho. Khi đó, người tiêu dùng nhiều khả năng sẽ thấy các kệ hàng trống rỗng và mức giá cao hơn trước, các nhà bán lẻ khổng lồ như Walmart và Target cảnh báo với ông Trump trong cuộc họp tuần trước.
Ông Torsten Slok, nhà kinh tế trưởng của Apollo Management, gần đây cũng cảnh báo về tình trạng thiếu hụt hàng hoá “giống giai đoạn COVID-19” và làn sóng sa thải lớn trong các ngành như vận tải đường bộ, logistics và bán lẻ.
Tổng thống Trump gần đây đã phát tín hiệu ông có thể linh hoạt hơn về thuế quan, nhưng giờ có thể đã quá trễ để ngăn chặn một cú sốc nguồn cung lan rộng khắp nền kinh tế Mỹ.
Ông Jim Gerson, Giám đốc của The Gearsons Companies, bình luận: “Kim đồng hồ đang điểm. Mỹ phải giải quyết thuế quan. Hy vọng các quan chức sẽ hành động nhanh".
The Gersons Companies là công ty chuyên cung ứng nến và đồ trang trí dịp lễ cho các nhà bán lẻ lớn của Mỹ. Công ty có trụ sở ở Kansas này thu mua hơn một nửa sản phẩm từ Trung Quốc và hiện có khoảng 250 container đang chờ vận chuyển. Doanh thu mỗi năm của công ty vào khoảng 100 triệu USD.
Mỹ đánh thuế vào Trung Quốc ngay thời điểm quan trọng với ngành bán lẻ. Tháng 3 và tháng 4 là lúc các nhà cung cấp bắt đầu đẩy mạnh tích trữ hàng tồn kho cho nửa cuối năm để phục vụ cho dịp khai giảng và Giáng sinh.
Ông Jay Foreman, CEO nhà sản xuất đồ chơi Basic Fun ở Florida, cho biết: “Chúng tôi đang trong trạng thái tê liệt”. Ông mô tả thuế quan của Mỹ với Trung Quốc giống như “lệnh cấm vận” phi chính thức.
Tạm thời, các khách hàng của ông - bao gồm những nhà bán lẻ lớn như Amazon và Walmart - mới chỉ hoãn đơn đặt hàng. Tuy nhiên, ông dự kiến họ sẽ bắt đầu hủy đơn nếu thuế quan được duy trì lâu hơn nữa.
Vị doanh nhân chia sẻ: “Chúng tôi còn vài tuần tạm ổn trước khi mọi chuyện trở nên thực sự đau đớn. Chúng tôi có thể kiểm soát thiết hại vì thuế quan thêm một thời gian nữa, nhưng sau mỗi tuần tổn thất sẽ lại càng tăng thêm”.
Công ty Basic Fun của ông Foreman đạt doanh thu khoảng 200 triệu USD mỗi năm và mua khoảng 90% sản phẩm từ Trung Quốc.
Dữ liệu do Bloomberg tổng hợp cho thấy khoảng 40 tàu chở hàng vừa cập cảng Trung Quốc và đang trên đường đến Mỹ, giảm khoảng 40% so với đầu tháng 4.
Những chiếc tàu này chở khoảng 320.000 container, ít hơn khoảng 30% so với thời điểm ngay sau khi ông Trump thông báo nâng thuế quan với Trung Quốc lên 145%.
Ông Judah Levine, trưởng nhóm nghiên cứu tại nền tảng Freightos, cho biết nhiều nhà nhập khẩu Mỹ sẽ tranh thủ khoảng thời gian 90 ngày tạm hoãn thuế quan đối ứng. Trong giai đoạn này, họ sẽ đẩy mạnh việc vận chuyển đơn hàng từ các quốc gia khác về Mỹ.
Điều đó có thể giúp giảm bớt cú sốc tiềm tàng xoay quanh hàng hóa Trung Quốc tới các cảng biển và mạng lưới logistics của Mỹ.
Tuần trước, hãng vận tải biển lớn thứ 5 thế giới Hapag-Lloyd AG cho biết khoảng 30% các đơn đặt hàng từ Trung Quốc đến Mỹ đã bị hủy. Nhưng họ chứng kiến nhu cầu tăng mạnh từ những nhà xuất khẩu ở Việt Nam, Thái Lan và Campuchia.
Trong bối cảnh nhu cầu chuyển hàng từ Trung Quốc sang Mỹ lao dốc, các hãng vận tải biển đã giảm mạnh công suất để ngăn giá cước sụp đổ. Ông John McCown, một giám đốc kỳ cựu trong ngành, cho biết các hãng vận tải đã hủy 80 chuyến tàu từ Trung Quốc sang Mỹ trong tháng 4, nhiều hơn 60% bất kỳ tháng nào khác trong đại dịch COVID-19.
Tổ chức Thương mại Thế giới cảnh báo dòng chảy hàng hóa giữa Mỹ và Trung Quốc có thể giảm tới 80%. Các chuyên gia dự báo do Bloomberg khảo sát dự kiến kim ngạch nhập khẩu hàng hóa của Mỹ sẽ giảm 7% trong quý II so với quý liền kề, sau khi điều chỉnh cho yếu tố mùa vụ và chuẩn hóa theo năm. Đây sẽ là mức giảm mạnh thất kể từ đầu đại dịch COVID-19.
Cú sốc nguồn cung sắp sửa đổ bộ vào Mỹ đã thúc đẩy các chuyên gia nâng dự báo lạm phát của nền kinh tế lớn nhất thế giới. Các lãnh đạo doanh nghiệp cảnh báo giá cả một số mặt hàng từ Trung Quốc có thể tăng gấp đôi.
Nếu cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung không hạ nhiệt trong vài tuần tới, các nhà cung cấp và nhà bán lẻ Mỹ sẽ phải ra một số quyết định khó khăn cho nửa cuối năm, chẳng hạn như họ nên giữ đơn đặt hàng nào và cần tăng giá bán bao nhiêu. Các nhà cung cấp dự kiến sẽ có rất nhiều đơn đặt hàng bị hủy.
Đối với nhiều công ty, điều đó sẽ gây ra cú sốc tài chính lớn. Nhiều khả năng họ sẽ phản ứng bằng cách cắt giảm nhân sự hoặc chấp nhận vay nợ với lãi suất cao.
Bộ trưởng Bộ Tài chính Mỹ Scott Bessent nhấn mạnh Trung Quốc là bên nắm giữ chìa khoá để xuống thang căng thẳng thương mại với Mỹ.
Theo Tổng thống Mỹ Donald Trump, các biện pháp thuế quan sâu rộng sẽ giúp giảm thuế thu nhập cho người có thu nhập dưới 200.000 USD/năm.
Hai nền kinh tế lớn nhất thế giới đang vướng vào cuộc chiến thương mại leo thang do các mức thuế quan mà Tổng thống Trump áp lên hàng hóa Trung Quốc, lên tới mức 145% đối với nhiều mặt hàng.
Các nền kinh tế châu Á phụ thuộc vào xuất khẩu và phải đối mặt với mức thuế đối ứng cao nhất đang đi trước các nước phương Tây trong các cuộc đàm phán thương mại với chính quyền Tổng thống Mỹ Donald Trump.