Ngày 12/5, Xanh SM cho biết họ sắp ra mắt dịch vụ Xanh SM Ngon giao đồ ăn tại Hà Nội. Xanh SM Ngon hướng tới các nhà hàng, quán ăn, tiệm món đặc sản hoạt động tại Hà Nội - theo GSM, đơn vị vận hành và quản lý thương hiệu.
Nền tảng cam kết miễn phí đăng ký, duyệt hồ sơ nhanh, phí dịch vụ linh hoạt cùng đội ngũ giao hàng chuyên nghiệp. Ngoài ra, các nhà hàng có thể lựa chọn tự giao hàng hoặc tích hợp cùng hệ thống giao vận của hãng.
Trước đó, cuối tháng 4, hai nguồn tin quen thuộc với vấn đề chia sẻ với chúng tôi rằng Xanh SM đang liên hệ các nhân sự có kinh nghiệm trong lĩnh vực giao đồ ăn để tuyển dụng. Những người này xin giấu tên vì kế hoạch vẫn đang ở mức nghiên cứu khả thi và chưa có chi tiết về việc triển khai.
Hồi tháng 2, CEO GSM Nguyễn Văn Thanh từng để ngỏ khả năng Xanh SM tham gia thị trường giao đồ ăn, gọi đây là “mảng rất tiềm năng với nhiều dư địa phát triển”.
Đội ngũ tài xế của Xanh SM. (Ảnh: Xanh SM).
Đến nay, khi đã chính thức nhập cuộc, mức chiết khấu của Xanh SM Ngon là vấn đề được nhiều chủ doanh nghiệp, người kinh doanh quan tâm. Hơn nữa, khi Xanh SM Ngon là kẻ đến sau trong khi thị trường đang có hai “ông lớn” gần như nắm trọn thị phần là ShopeeFood và GrabFood.
Về vấn đề này, bước đầu chia sẻ với chúng tôi, một đối tác lớn cho biết mức phí Xanh SM Ngon áp dụng là 17% cho 6 tháng đầu tiên và sau cố định 20%. Đây là mức hoa hồng nền tảng sẽ trừ trên mỗi đơn hàng được giao thành công.
“Phí đăng ký tạm thời chưa thu, về sau có thể thu 1,2 triệu đồng/chi nhánh đăng ký. Nên lên [sàn - pv] càng sớm càng tốt”, doanh nghiệp này nói thêm. Nguồn tin xin được giấu tên vì đây chỉ là những thông tin ban đầu và có thể sẽ thay đổi nếu Xanh SM Ngon vận hành chính thức.
Ngoài mức chiết khấu, Xanh SM Ngon yêu cầu đối tác nhà bán hàng tham gia nền tảng phải có hoặc máy in đơn hoặc máy POS, có giấy phép an toàn vệ sinh thực phẩm, giấy đăng ký kinh doanh,…
Nền tảng yêu cầu quán ăn tham gia từng đạt danh hiệu như “Tạp dề”, “Quán được yêu thích”, “Siêu xịn” trên các ứng dụng giao đồ ăn khác – cho thấy Xanh SM Ngon ưu tiên những thương hiệu đã có uy tín.
“Chiến lược của Xanh SM Ngon là đánh vào tệp khách hàng chuẩn chỉ có đầu tư, và có tư duy làm thương hiệu F&B nên yêu cầu khá chặt chẽ”, nguồn tin thông tin thêm.
Đến nay, các chính sách của Xanh SM Ngon vẫn chưa được công bố công khai. Theo một chuyên gia F&B nhiều năm kinh nghiệm, mức chiết khấu của Xanh SM Ngon đang rất hấp dẫn so với một số sàn khác. Hai nền tảng đang dẫn đầu thị phần có mức chiết khấu là 25% và dự kiến sẽ lên 30% trong thời gian tới.
Mức chiết khấu luôn là một rào cản để các nhà hàng, quán ăn sử dụng Food app (ứng dụng giao đồ ăn).
F&B Việt Nam - nền tảng cung cấp các khóa học trực tuyến về ngành ẩm thực, đánh giá hoa hồng cao ăn mòn lợi nhuận là thách thức khi vận hành quán ăn trên Food app. Mức chiết khấu từ 20% đến 30% cho mỗi đơn hàng là một trong những vấn đề lớn nhất. Với những quán nhỏ, doanh thu không đủ lớn để bù đắp chi phí, dẫn đến lợi nhuận gần như bằng 0.
Giả sử một phần gà rán có giá 50.000 đồng, nếu trừ hoa hồng 25%, quán chỉ còn 37.500 đồng. Sau khi trừ đi chi phí nguyên liệu, nhân công, vận hành, lợi nhuận còn lại rất mong manh.
Ông Nguyễn Văn Hậu - chủ chuỗi Cơm Thố Anh Nguyễn, đồng ý với quan điểm này. Tại một sự kiện tháng 8 năm ngoái do iPOS.vn tổ chức, ông Hậu cho biết ông cảm nhận rõ tác động từ những thay đổi trong chính sách chiết khấu, khuyến mãi của nền tảng.
Giai đoạn 2016–2017, các nền tảng giao đồ ăn đua nhau “đốt tiền”, chiết khấu gần như bằng 0 để thu hút nhà hàng và khách hàng. Nhưng khi thị trường ổn định hơn, các chính sách khuyến mãi giảm dần, kéo theo chiết khấu tăng lên 20–25%, khiến nhiều quán ăn nhỏ gặp khó khăn do biên lợi nhuận bị bào mòn.
Chủ Cơm thố Anh Nguyễn cho biết đây là thời gian các nhà hàng cảm thấy khó khăn khi nền tảng cắt giảm dần khuyến mại, số lượng người bán tăng lên và kinh tế bước vào giai đoạn tăng trưởng chậm.
Do đó, giữ mức chiết khấu thấp có thể sẽ là chiến lược lâu dài của Xanh SM Ngon nhằm duy trì lợi thế với hai “gã khổng lồ” là GrabFood và ShopeeFood.
Điều này đặc biệt quan trọng khi Báo cáo thị trường Kinh doanh Ẩm thực tại Việt Nam năm 2024 do iPOS.vn và Nestlé Professional công bố đầu năm nay ghi nhận 52,5% thực khách Việt hiện sử dụng ShopeeFood như một thói quen “vô thức”.
Trong khi đó, GrabFood vẫn duy trì được lượng người dùng trung thành với tỷ lệ gần như không thay đổi so với năm ngoái hơn 33%.
Việc Xanh SM Ngon giữ chiết khấu thấp, chọn lọc các quán có thương hiệu lên nền tảng sẽ là một lợi thế giúp sàn này thu hút người dùng trung thành.
Ông chủ Cơm Thố Anh Nguyễn đánh giá trong tương lai, các nền tảng giao đồ ăn vẫn là kênh bán hàng hiệu quả và kinh doanh trên Food app là hệ sinh thái không thể tách rời của F&B.
“Food app không phải là kênh cứ tham gia là có lợi nhuận. Nếu không có chiến lược rõ ràng, chủ quán rất dễ rơi vào bẫy chạy quảng cáo liên tục, giảm giá triền miên mà không thu được hiệu quả. Ngược lại, nếu biết cách tối ưu giá bán, quảng cáo hiệu quả và xây dựng kênh riêng, đây vẫn là một kênh bán hàng tiềm năng”, F&B Việt Nam nhận xét.
Dù được xây dựng với mục tiêu hỗ trợ người thu nhập thấp, mức giá thuê nhà ở xã hội tại nhiều địa phương lên đến 17 triệu đồng mỗi tháng, ngang nhà thương mại.
Công ty TNHH Royal Distribution được cấp giấy chứng nhận đăng ký hoạt động bán hàng đa cấp từ năm 2015.
Nhiều ông lớn hoạt động trong mảng khu công nghiệp báo lãi hàng trăm tỷ đồng trong quý đầu năm nhờ tăng trưởng doanh thu cho thuê đất.
Chuỗi cầm đồ lớn nhất cả nước trả trung bình 20,5 triệu đồng mỗi tháng cho hơn 4.000 nhân viên trong năm 2024, ngang một số ngân hàng tốp dưới.