(Ảnh minh họa: AInvest).
Hợp đồng tương lai các chỉ số chính của chứng khoán Mỹ bật tăng sau khi Mỹ và Trung Quốc phát tín hiệu hai nước sẵn sàng nới lỏng lập trường cứng rắn về thương mại.
Ghi nhận tại thời điểm 18h20 ngày 11/5 theo giờ New York (tức 5h20 sáng ngày 12/5 tại Việt Nam), hợp đồng tương lai chỉ số S&P 500 và Nasdaq 100 lần lượt tăng 1,3% và 1,5%.
Mặt khác, tín hiệu tích cực về đàm phán Mỹ - Trung đã đẩy giá vàng đi xuống. Tờ Bloomberg cho biết giá vàng trên thị trường Singapore có lúc giảm 1,4% vào đầu phiên giao dịch 12/5.
Căng thẳng địa chính trị hạ nhiệt cũng là một yếu tố làm giảm bớt sức hấp dẫn của vàng. Tại châu Á, Ấn Độ và Pakistan vẫn đang giữ vững thỏa thuận ngừng bắn toàn diện. Ở châu Âu, Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky đề nghị Tổng thống Nga Vladimir Putin đàm phán trực tiếp trong tuần này.
Cuối tuần vừa qua, các nhà đàm phán thương mại của Mỹ và Trung Quốc đã tổ chức cuộc gặp mặt trực tiếp đầu tiên kể từ khi Tổng thống Donald Trump quay trở lại Nhà Trắng.
Phó Thủ tướng Trung Quốc Hà Lập Phong mô tả cuộc đàm phán là “bước đầu quan trọng” hướng tới xử lý những khác biệt giữa hai bên.
Trong ngày 11/5, cả Mỹ và Trung Quốc đều chưa công bố động thái cụ thể nào, nhưng ông Hà cho biết hai nền kinh tế lớn nhất thế giới đã đồng ý tạo ra cơ chế cho các cuộc đàm phán tiếp theo, do chính ông và Bộ trưởng Tài chính Mỹ Scott Bessent dẫn đầu.
Ông Bessent cho biết Mỹ sẽ công bố các chi tiết vào ngày 12/5 và ông Hà hứa hẹn hai nước sẽ ra tuyên bố chung.
Đối với những doanh nghiệp Mỹ có mối liên kết với Trung Quốc, kết quả cuộc đàm phán sẽ có ảnh hưởng quan trọng tới hàng nghìn tỷ USD doanh thu tiềm năng của họ.
Theo phân tích của Bloomberg Intelligence, trung bình mỗi doanh nghiệp thuộc chỉ số S&P 500 tạo ra 6,1% doanh thu từ việc bán hàng hóa sang Trung Quốc hoặc cho các doanh nghiệp Trung Quốc trong năm 2024.
Các công ty công nghệ lớn nhất nước Mỹ còn chịu ảnh hưởng lớn hơn. Trung Quốc chiếm 17% doanh thu của Apple và 22% doanh thu của Tesla trong ba tháng đầu năm 2025.
Nhà Trắng hiện đang áp thuế quan 145% lên hàng hóa Trung Quốc, Bắc Kinh phản ứng bằng cách đánh thuế 125% lên hàng hóa Mỹ. Trước thềm cuộc đàm phán tại Thụy Sỹ, ông Trump nêu ý tưởng hạ thuế đối với hàng hóa Trung Quốc xuống còn 80%.
Ông Matt Maley, Giám đốc đầu tư tại Miller Tabak + Co., bình luận: “Thị trường chứng khoán Mỹ đang dự kiến thuế quan với Trung Quốc hạ xuống 20% hoặc thấp hơn. Nếu Mỹ kiên quyết áp đặt mức thuế cao hơn hẳn con số đó, thị trường sẽ gặp rắc rối. Tương tự, nếu quá trình đàm phán có vẻ tốn nhiều thời gian, thị trường cũng sẽ gặp vấn đề”.
Căng thẳng thương mại đang bắt đầu gây tác động tiêu cực tới các doanh nghiệp Mỹ. Không ít doanh nghiệp đã rút lại dự báo kết quả kinh doanh trong vài tuần qua, bao gồm công ty vận chuyển hàng hóa UPS và nhà sản xuất ô tô Ford. Nguyên nhân được đưa ra là những diễn biến khó lường của thuế quan và chuỗi cung ứng.
Nhiều nhà đầu tư lớn cũng quyết định đứng bên ngoài thị trường, ít nhất là cho đến khi tình hình trở nên rõ ràng hơn. Báo cáo của Bank of America cho biết nhà đầu tư đã rút 24,8 tỷ USD khỏi chứng khoán Mỹ trong 4 tuần qua, đánh dấu dòng tiền ra lớn nhất trong vòng hai năm.
Kết thúc các cuộc đàm phán tại Thuỵ Sỹ, Mỹ và Trung Quốc đã nhất trí sẽ tạm ngừng xung đột thương mại trong 90 ngày.
Thủ tướng Nhật Bản Shigeru Ishiba cho biết ông sẽ hướng tới mục tiêu xóa bỏ mọi mức thuế quan trong các cuộc đàm phán thương mại với Mỹ.
Trong tuần này, Tòa án Thương mại Quốc tế Mỹ sẽ xem xét tính hợp pháp của các mức thuế quan mà ông Trump công bố vào ngày 2/4, bao gồm thuế đối ứng tối thiểu 10% và các mức thuế cao hơn với khoảng 60 đối tác thương mại của Mỹ.
Hiện tại, trần nợ của Mỹ đang ở mức xấp xỉ 36.000 tỷ USD – giới hạn đã được Quốc hội Mỹ phê duyệt và chính thức bị vượt quá từ tháng 1/2025.