Tổng thống Mỹ Donald Trump. (Ảnh: Bloomberg/FT).
Trong nhiệm kỳ thứ hai, Tổng thống Donald Trump đã áp đặt một loạt thuế quan lên hàng hóa mà Mỹ nhập khẩu từ khắp nơi trên thế giới. Các mức thuế đó sẽ đối mặt với thử thách pháp lý lớn ngay trong tuần này.
Một tòa án ít người biết đến ở Manhattan (New York) sẽ đánh giá liệu tổng thống Mỹ có thẩm quyền áp đặt thuế quan sâu rộng như những gì ông Trump đã thực hiện hay không.
Cụ thể, vào ngày 13/5, một hội đồng gồm ba thẩm phán tại Tòa án Thương mại Quốc tế Mỹ (USITC) sẽ lắng nghe các lập luận xoay quanh việc có nên dừng các mức thuế quan của ông Trump hay không.
Tờ Wall Street Journal (WSJ) cho biết thông thường USITC hoạt động khá lặng lẽ, hiếm khi được nhắc đến bởi các phương tiện truyền thông và thậm chí giới luật sư cũng ít khi chú ý tới tòa án này.
Ông Lawrence Friedman, đối tác tại công ty luật Barnes, Richardson & Colburn, nhận xét: “Hầu hết các luật sư sẽ tốt nghiệp trường luật mà không biết đến sự tồn tại của USITC”.
Tuy nhiên, USITC sẽ trở thành tâm điểm của sự chú ý trong tuần này trong vụ kiện của nhà nhập khẩu rượu V.O.S. Selections có trụ sở tại New York và 4 doanh nghiệp nhỏ khác chống lại ông Trump.
Nhóm doanh nghiệp nói trên đâm đơn kiện vào ngày 14/4 nhằm ngăn các mức thuế quan mà ông Trump đánh vào hàng hóa nhập khẩu vào Mỹ.
Ông Trump công bố thuế quan đối ứng vào đầu tháng 4, theo đó áp thuế tối thiểu 10% với hàng hóa từ mọi quốc gia. Ông còn áp thuế cao hơn lên khoảng 60 đối tác thương mại của Mỹ nhưng đã tạm hoãn trong vòng 90 ngày. Hàng hóa Trung Quốc là ngoại lệ, bị áp thuế lên tới 145%.
Khi áp dụng thuế đối ứng, chủ nhân Nhà Trắng đã viện dẫn Đạo luật Quyền hạn Kinh tế Khẩn cấp Quốc tế (IEEPA), lập luận rằng tình trạng thâm hụt thương mại làm tổn thương nền kinh tế và gây ra tình huống khẩn cấp quốc gia.
Trụ sở của USITC tại Manhattan. (Ảnh: Bloomberg).
USITC là tòa án liên bang do Quốc hội Mỹ thành lập vào năm 1980, có chức năng giải quyết các tranh chấp về thuế quan và thương mại trên toàn quốc.
Trụ sở của USITC nằm ở Manhattan, bên cạnh nhiều tòa nhà chính phủ và trụ sở nhiều tòa án liên bang, tiểu bang khác. Hiện có 14 thẩm phán đang phục vụ tại USITC, được bổ nhiệm bởi 6 vị tổng thống khác nhau.
Về cơ bản, các vụ việc USITC xử lý liên quan tới các biện pháp thương mại của Mỹ chống lại những hành vi không công bằng của doanh nghiệp nước ngoài, ví dụ như bán hàng với giá thấp hơn giá trị hợp lý.
Các nhà nhập khẩu cũng tìm đến USITC để khiếu nại các đánh giá thuế mà họ cho là không chính xác. Những vụ việc mà USITC xử lý gần đây tập trung vào các chủ đề bao gồm dầu cá nhập khẩu từ các nước và phân lân nhập từ Morocco.
Thông thường, mỗi vụ kiện được chủ trì bởi một thẩm phán, nhưng các vụ việc liên quan tới Hiến pháp hoặc có ý nghĩa hệ trọng sẽ do một hội đồng gồm ba thẩm phán xét xử. Vụ kiện của nhóm 5 doanh nghiệp nhỏ chống lại ông Trump thuộc diện thứ hai.
Trung tâm Tư pháp Tự do, tổ chức đại diện cho nhóm doanh nghiệp gồm V.O.S., tuyên bố IEEPA không cho tổng thống Mỹ quyền đánh thuế quan, mà đây là trách nhiệm của Quốc hội. Nguyên đơn cũng khẳng định Quốc hội không thể ủy quyền lập pháp cho tổng thống.
Các luật sư còn lưu ý: “IEEPA thậm chí còn không nhắc đến thuế quan”. Họ cũng lập luận rằng thâm hụt thương mại không gây ra tình huống khẩn cấp với nền kinh tế, bởi chúng đã tồn tại suốt hàng nhiều thập kỷ mà không gây hại.
Bộ Tư pháp Mỹ lại lập luận rằng trong quá khứ, các tổng thống đã thực hiện những chính sách đối ngoại và đảm bảo an ninh quốc gia thông qua việc điều chỉnh thương mại. Ngoài ra, với việc ban hành IEEPA vào năm 1977, Quốc hội đã ủy quyền hợp lệ cho tổng thống để điều chỉnh hoạt động nhập khẩu trong trường hợp khẩn cấp.
Chính phủ Mỹ cũng nêu ý kiến rằng việc ông Trump tuyên bố tình huống khẩn cấp là vấn đề về mặt chính trị mà ngành tư pháp không thể đánh giá được.
Nếu hội đồng thẩm phán của USITC nhận thấy quyền hạn kinh tế khẩn cấp quả thực cho phép tổng thống áp thuế và xử thắng cho ông Trump, phán quyết đó có thể thúc đẩy chủ nhân Nhà Trắng trở nên táo bạo hơn nữa.
Nếu tòa ra phán quyết ngược lại thì điều đó sẽ đảo lộn phần lớn chính sách thương mại của ông Trump và ảnh hưởng lớn đến các cuộc đàm phán giữa Mỹ và những nước khác.
Hội đồng xét xử vụ kiện của V.O.S. bao gồm ông Timothy Reif, thẩm phán do ông Trump bổ nhiệm và nổi tiếng là người theo chủ nghĩa bảo hộ.
Thẩm phán thứ hai là ông Gary Katzmann, người được Tổng thống Barack Obama bổ nhiệm. Ông được biết là người sử dụng cách tiếp cận học thuật để xem xét kỹ lưỡng các vụ việc.
Thẩm phán thứ ba là bà Jane Restani, được Tổng thống Ronald Reagan bổ nhiệm vào năm 1983 và từng giữ vị trí chánh án của USITC.
Cho tới nay, mới chỉ có khoảng một chục đơn kiện chống lại thuế quan của ông Trump được gửi lên các tòa án liên bang ở Mỹ. Nguyên đơn là các công ty nhỏ và tổng chưởng lý các bang theo Đảng Dân chủ.
Các doanh nghiệp lớn lựa chọn cách chờ đợi. Tờ WSJ cho biết một phần nguyên nhân là do các doanh nghiệp lớn sợ bị ông Trump nhắm mục tiêu, phần khác là họ có nhiều khả năng chịu đựng thuế quan hơn so với doanh nghiệp nhỏ.
Kết thúc các cuộc đàm phán tại Thuỵ Sỹ, Mỹ và Trung Quốc đã nhất trí sẽ tạm ngừng xung đột thương mại trong 90 ngày.
Thủ tướng Nhật Bản Shigeru Ishiba cho biết ông sẽ hướng tới mục tiêu xóa bỏ mọi mức thuế quan trong các cuộc đàm phán thương mại với Mỹ.
Các nhà đầu tư có vẻ đang cảm thấy an tâm về cuộc đàm phán thương mại giữa Mỹ và Trung Quốc tại Thụy Sỹ cuối tuần qua.
Hiện tại, trần nợ của Mỹ đang ở mức xấp xỉ 36.000 tỷ USD – giới hạn đã được Quốc hội Mỹ phê duyệt và chính thức bị vượt quá từ tháng 1/2025.