Vĩ Mô 28/07/2025 20:25

Chuyên gia MBS dự báo GDP năm 2025 tăng 7,9 - 8,1%

Với việc GDP quý II/2025 tăng mạnh lên mức 7,96% và 6 tháng đầu năm tăng 7,52%, các chuyên gia đến từ CTCP Chứng khoán MB (MBS) dự báo tăng trưởng GDP cả năm 2025 sẽ đạt 7,9 - 8,1% nhờ đẩy mạnh vốn đầu tư công và đầu tư tư nhân.

Theo báo cáo kinh tế vĩ mô tháng 7 của CTCP Chứng khoán MB (MBS), tổng sản phẩm trong nước (GDP) quý II/2025 ước tính tăng 7,96% so với cùng kỳ, chỉ thấp hơn mức tăng 8,6% của quý II/2022 trong giai đoạn 2020 – 2025. Kết quả tăng trưởng này đã vượt mục tiêu đặt ra cho quý II/2025 là 7% trong kịch bản tăng trưởng cả năm 6,5 - 7%. Tuy nhiên, vẫn thấp hơn so mục tiêu của kịch bản tăng trưởng năm 2025 đạt 8% (trong đó, mục tiêu tăng trưởng của quý II/2025 là 8,2%).

Quý II/2025, khu vực công nghiệp và xây dựng có mức tăng trưởng cao nhất trong ba khu vực khi tăng 9% so với cùng kỳ, đóng góp 43,6% vào mức tăng trưởng chung của toàn nền kinh tế.

Trong đó, công nghiệp chế biến, chế tạo là động lực tăng trưởng chính của khu vực này với mức tăng 10,8% so với cùng kỳ. Khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản tăng 3,9% so với cùng kỳ, đóng góp 5,2%. Trong khi đó, khu vực dịch vụ tăng 8,5% so với cùng kỳ, đóng góp 51,2%. Trong đó, một số ngành có mức tăng trưởng ổn định như: hoạt động hành chính và dịch vụ hỗ trợ tăng 16,4%; giáo dục và đào tạo tăng 11,5%; dịch vụ lưu trú và ăn uống tăng 10,7%. 

Tăng trưởng GDP các thành phần kinh tế so với cùng kỳ (theo quý). (Nguồn: Cục Thống kê, MBS Research).

Còn nhiều thách thức đối với ngành sản xuất

Nửa đầu năm nay, chỉ số sản xuất toàn ngành công nghiệp (IIP) ước tính tăng 9,2% so với cùng kỳ, cao nhất trong 6 tháng đầu năm của các năm trong giai đoạn 2020 – 2025. Trong đó, ngành chế biến chế tạo đạt mức tăng trưởng 11,1%, cao hơn nhiều so với 8,5% của cùng kỳ năm 2024.

Mặc dù vậy, MBS dự báo ngành sản xuất sẽ còn gặp khá nhiều thử thách trong thời gian tới khi chỉ số PMI tiếp tục nằm dưới mức 50 điểm tháng thứ ba liên tiếp, đạt 48,9 điểm trong tháng 6, thấp hơn so với 49,8 điểm trong tháng 5. Việc này diễn ra trong bối cảnh số lượng đơn hàng xuất khẩu mới giảm với tốc độ nhanh nhất trong hai năm do ảnh hưởng thuế quan. 

Theo đó, sự sụt giảm này đã khiến số đơn hàng mới giảm tháng thứ ba liên tiếp và khiến các công ty cắt giảm việc làm cũng như hoạt động mua hàng. Dù vậy, một điểm tích cực của khảo sát chỉ số PMI tháng 6 là các doanh nghiệp vẫn tiếp tục tăng sản lượng, nhưng điều này sẽ khó có thể duy trì mà không có sự cải thiện của nhu cầu.

Tình hình sản xuất công nghiệp 6 tháng đầu năm. (Nguồn: Cục Thống kê, MBS Research).

Xuất nhập khẩu có thể duy trì tăng trưởng hai con số

Trong khi đó, hoạt động thương mại diễn ra rất sôi động trong nửa đầu năm, với kim ngạch xuất khẩu trong tháng 6 đạt 39,5 tỷ USD tăng 16,3% so với cùng kỳ. Luỹ kế 6 tháng đầu năm, kim ngạch xuất khẩu đạt 219,83 tỷ USD, tăng 14,4% so với cùng kỳ. Trong đó, Mỹ là thị trường xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam với kim ngạch ước đạt 70,9 tỷ USD, tăng 28,2%.

Ở chiều ngược lại, kim ngạch nhập khẩu tháng 6 đạt 36,7 tỷ USD tăng 20,2% so với cùng kỳ. Tính chung 6 tháng đầu năm, kim ngạch xuất khẩu đạt 212,2 tỷ USD, tăng 17,9% so với cùng kỳ. Trong đó, Trung Quốc là thị trường nhập khẩu lớn nhất của Việt nam với kim ngạch ước đạt 84.7 tỷ USD, tăng 26,4% so với cùng kỳ. Ngoài ra, kim ngạch nhập khẩu từ Mỹ cũng tăng trưởng mạnh ở mức 22,3% so với cùng kỳ, đạt 8,9 tỷ USD.

Theo dự báo của các chuyên gia MBS, ước tăng trưởng xuất khẩu trong năm nay sẽ ở mức 9% - 10%, thấp hơn mức tăng trưởng 14,4% của 6 tháng đầu năm, do nhu cầu sẽ giảm sau khi các nhà nhập khẩu Mỹ đẩy mạnh tích trữ hàng hoá trước hạn thuế quan vào đầu tháng 7. Trên thực tế, theo báo cáo PMI của S&P trong tháng 6, đơn hàng xuất khẩu đã giảm liên tục trong 8 tháng liên tiếp.

Bên cạnh đó, các nhà nhập khẩu cũng sẽ cần thêm thời gian để chờ thêm thông tin về định nghĩa cụ thể của các loại hàng hoá, đặc biệt là quy định về nguồn gốc xuất xứ cho “hàng hoá trung chuyển”. 

Đối với nhập khẩu, các chuyên gia MBS cho rằng hàng hoá từ Trung Quốc sẽ chậm lại do các quy định thắt chặt về xuất xứ nguồn gốc cũng như khả năng sẽ chịu mức thuế cao hơn. Tuy nhiên, điều này có thể được bù đắp bởi việc gia tăng nhập khẩu từ Mỹ khi Việt Nam sẽ có xu hướng tăng nhập khẩu hàng hoá từ Mỹ với thuế suất gần 0% để thể hiện thiện chí trong việc thu hẹp thặng dư thương mại với quốc gia này. Theo đó, ước tính tăng trưởng nhập khẩu trong năm nay sẽ ở mức 15%. 

Như vậy, thặng dư thương mại trong năm nay dự kiến sẽ dao động trong khoảng 4 - 8 tỷ USD, thấp hơn nhiều so với mức 24,8 tỷ USD của năm 2024. 

Tình hình hoạt động xuất nhập khẩu nửa đầu năm. (Nguồn: Cục Thống kê, MBS Research).

Về tiêu dùng nội địa, theo báo cáo, tổng mức bán lẻ hàng hoá và doanh thu dịch vụ tiêu dùng đã kết thúc chuỗi ba tháng tăng trưởng hai chữ số khi ghi nhận mức tăng 8,3% so với cùng kỳ trong tháng 6.

Trong nửa đầu năm , tổng mức bán lẻ hàng hoá và doanh thu dịch vụ tiêu dùng tăng 9,3% so với cùng kỳ (nếu loại trừ yếu tố giá tăng 7,2% so với cùng kỳ) – cao hơn mức tăng trung bình 8,6% của năm ngoái - cho thấy tiêu dùng nội địa vẫn đang trên đà phục hồi.

Tuy nhiên, mức tăng này vẫn thấp hơn mức trước đại dịch và dưới mục tiêu 12% của Chính phủ. Trong đó, du lịch vẫn là điểm sáng khi các chính sách thị thực thuận lợi, các chương trình quảng bá, xúc tiến du lịch được đẩy mạnh cùng với các hoạt động chào mừng các ngày lễ lớn của dân tộc đã thu hút khách quốc tế đến Việt Nam ngày càng tăng. 

Trong 6 tháng năm nay, Việt Nam đã thu hút gần 10,7 triệu lượt khách quốc tế, tăng 20,7% so với cùng kỳ. Các chuyên gia MBS kỳ vọng tiêu dùng nội địa đến cuối năm sẽ cải thiện lên mức 9% - 9,5% nhờ môi trường lãi suất thấp; hoạt động sản xuất tích cực trở lại khi tình hình thuế quan dần ổn định; chính sách giảm thuế VAT 2% sẽ được kéo dài đến hết năm 2026, đồng thời mở rộng thêm đối tượng được giảm thuế bao gồm: dịch vụ vận tải, logistic, hàng hoá, dịch vụ công nghệ thông tin.

Đầu tư tiếp tục là động lực dẫn dắt tăng trưởng

Trong tháng 6, tổng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) đăng ký mới tăng vọt 41,9% so với cùng kỳ, trong khi vốn FDI giải ngân tăng 8,9%. Lũy kế 6 tháng đầu năm, vốn FDI thực hiện đạt 11,7 tỷ USD, cao nhất trong vòng 5 năm trở lại đây.

Khu vực công nghiệp chế biến - chế tạo tiếp tục là “thỏi nam châm” thu hút dòng vốn FDI trong nửa đầu năm, với tổng vốn thu hút đạt 9,56 tỷ USD, tương đương 81,6% tổng vốn đầu tư. Trong khi đó, bất động sản thu hút 932,2 triệu USD, chiếm 8% và nhóm ngành năng lượng – phân phối điện, khí đốt, nước và điều hòa không khí đạt 444,7 triệu USD, chiếm 3,8%.

Song song với FDI, đầu tư công cũng tăng tốc mạnh mẽ trong nửa đầu năm nay. Cụ thể, trong tháng 6, vốn đầu tư thực hiện từ ngân sách Nhà nước ước đạt 66.600 tỷ đồng, tăng 23,8% so với cùng kỳ. Tính chung 6 tháng đầu năm, con số này ước đạt 291.100 tỷ đồng, hoàn thành 31,7% kế hoạch cả năm và tăng 19,8% so với cùng kỳ. 

Tăng trưởng vốn đầu tư công và vốn đầu tư FDI tính đến hết tháng 6/2025. (Nguồn: Cục Thống kê, MBS Research).

Các chuyên gia MBS cho rằng CPI bình quân năm 2025 sẽ tăng khoảng 3,5%, thấp hơn mục tiêu kiểm soát lạm phát 4,5 – 5% của Chính phủ. Kỳ vọng này dựa trên các yếu tố giá dầu thế giới duy trì ở mức 70 USD/thùng (thấp hơn năm 2024), giá lương thực được kỳ vọng sẽ hạ nhiệt nhờ nguồn cung dồi dào sau khi Ấn Độ dỡ bỏ lệnh cấm xuất khẩu gạo. Tuy nhiên, mức tác động có thể sẽ không quá lớn do mức giảm của giá gạo phần nào sẽ bù trừ với mức tăng mạnh của giá thịt lợn.

Từ các yếu tố trên, MBS dự báo tăng trưởng GDP năm 2025 sẽ ở mức 7,9 - 8,1%. Ngoài ra, theo các chuyên gia, mặc dù hoạt động xuất khẩu có thể chậm lại trong nửa cuối năm nhưng vẫn kỳ vọng sẽ được bù đắp bởi chính sách tài khoá nới lỏng, lãi suất thấp sẽ hỗ trợ cho tiêu dùng nội địa phục hồi. Đồng thời, tốc độ giải ngân đầu tư công được kỳ vọng sẽ tiếp tục tăng tốc đến cuối năm và trở thành yếu tố quan trọng đóng góp vào tăng trưởng GDP.

Anh My
CÙNG CHUYÊN MỤC
Vĩ Mô 28/07/2025 22:25
Dự báo tăng trưởng nửa cuối năm 'rất triển vọng'

Nhóm nghiên cứu của Trường Đại học Ngân hàng TP HCM dự báo GDP nửa cuối năm "rất triển vọng", khả năng trên 8%.

Vĩ Mô 28/07/2025 21:25
Thu hồi hai lô thực phẩm chức năng sản xuất sai thành phần

Cục An toàn Thực phẩm phát hiện hai lô thực phẩm bảo vệ sức khỏe CANCIVITA D3-GT bổ sung nhiều thành phần không có trong hồ sơ công bố, yêu cầu thu hồi.

Vĩ Mô 28/07/2025 20:10
Hạ dự báo tăng trưởng 2025 nhưng nhiều chuyên gia quốc tế vẫn đánh giá nền kinh tế còn dư địa phục hồi

Trước việc một số tổ chức quốc tế hạ dự báo tăng trưởng năm 2025, nhiều chuyên gia quốc tế vẫn đánh giá nền kinh tế Việt Nam còn nhiều dư địa phục hồi. Họ khuyến nghị cần sớm kích hoạt các động lực như đầu tư công, tiêu dùng nội địa và đổi mới mô hình tăng trưởng để duy trì đà phát triển bền vững và thích ứng linh hoạt với bối cảnh toàn cầu nhiều biến động.

Vĩ Mô 28/07/2025 19:48
Đề xuất thí điểm mô hình ngân hàng năng lượng quốc gia

Chuyên gia Ngô Trí Long đề xuất thành lập một ngân hàng chuyên trách để đáp ứng nhu cầu đầu tư vào lĩnh vực năng lượng, giúp Việt Nam đạt mục tiêu phát thải ròng bằng 0 vào 2050.