Trong bối cảnh kinh tế toàn cầu còn nhiều biến động, một số tổ chức tài chính quốc tế đã điều chỉnh giảm dự báo tăng trưởng của Việt Nam cho năm 2025.
Ngân hàng Phát triển Châu Á (ADB) trong ấn phẩm Triển vọng Phát triển Châu Á (ADO) đã hạ dự báo tăng trưởng GDP của Việt Nam từ 6,6% xuống còn 6,3% trong năm 2025, và từ 6,5% xuống 6,0% trong năm 2026.
Tương tự, Ngân hàng Standard Chartered trong báo cáo cập nhật gần đây cũng điều chỉnh giảm dự báo tăng trưởng GDP Việt Nam năm 2025 từ 6,7% xuống còn 6,1%.
Dù dự báo ngắn hạn có phần thận trọng, theo bà Nguyễn Thúy Hạnh, Tổng Giám đốc Ngân hàng Standard Chartered Việt Nam, Việt Nam vẫn sở hữu nền tảng tăng trưởng tích cực trong trung và dài hạn.
Cụ thể, với mức tăng trưởng trung bình hơn 6% mỗi năm trước khi xảy ra đại dịch, và GDP bình quân đầu người có tiềm năng phục hồi mạnh mẽ sau khi suy giảm gần đây.
Ngoài ra, dòng vốn đầu tư nước ngoài (FDI) cũng đang cải thiện, dẫn đầu là lĩnh vực sản xuất, tiếp theo là bất động sản. Việt Nam tiếp tục khẳng định vai trò là một mắt xích quan trọng trong chuỗi cung ứng toàn cầu, đồng thời nâng cao vị thế nhờ hội nhập sâu rộng qua các Hiệp định Thương mại Tự do (FTA).
Bà Nguyễn Thúy Hạnh, Tổng Giám đốc Ngân hàng Standard Chartered Việt Nam. (Ảnh: Nguyễn Ngọc)
Để tăng cường khả năng phục hồi của nền kinh tế, bà Nguyễn Thúy Hạnh cho rằng Việt Nam cần ưu tiên một loạt giải pháp đồng bộ. Trước hết là đẩy nhanh giải ngân đầu tư công, đặc biệt trong các dự án hạ tầng trọng điểm, nhằm tạo hiệu ứng lan tỏa, nâng cao năng suất và thu hút thêm dòng vốn đầu tư nước ngoài.
Đồng thời, cần tận dụng hiệu quả các hiệp định thương mại tự do (FTA) để nâng cao vị thế trong chuỗi cung ứng toàn cầu, thông qua việc củng cố ngành sản xuất và hỗ trợ phát triển các lĩnh vực giá trị gia tăng cao.
“Đa dạng hóa cơ cấu ngành và các dòng vốn FDI là yêu cầu cấp thiết trong bối cảnh chuỗi cung ứng toàn cầu đang tái cấu trúc. Việc mở rộng các ngành ngoài sản xuất truyền thống không chỉ giúp giảm rủi ro phụ thuộc, mà còn góp phần tạo nền tảng cho tăng trưởng bền vững”, bà Hạnh nêu rõ.
Về điều hành vĩ mô, bà Hạnh cho rằng Việt Nam cần duy trì chính sách tiền tệ cân bằng, vừa kiểm soát lạm phát hiệu quả, vừa đảm bảo khả năng tiếp cận tín dụng cho doanh nghiệp, đặc biệt là khu vực tư nhân.
“Nếu tập trung vào các lĩnh vực then chốt này, Việt Nam hoàn toàn có thể vượt qua những khó khăn trước mắt và tiếp tục duy trì tăng trưởng mạnh mẽ, cân bằng không chỉ trong năm 2025 mà cả trong các năm tiếp theo”, bà Hạnh khẳng định.
Đồng tình với quan điểm này, TS. Adeel Ahmed, Giảng viên Kinh tế, Khoa Kinh doanh, Đại học RMIT Việt Nam cũng cho rằng, trong các yếu tố thúc đẩy tăng trưởng, đầu tư công đóng vai trò then chốt.
Không chỉ tạo động lực trực tiếp cho nền kinh tế, đầu tư công còn có khả năng dẫn dắt dòng vốn tư nhân vào các lĩnh vực quan trọng như nâng cấp hạ tầng, thúc đẩy các dự án trọng điểm quốc gia, tối ưu hóa hệ thống năng lượng và phát triển các nguồn năng lượng tái tạo phù hợp với từng giai đoạn phát triển.
Vì vậy, chiến lược phát triển sắp tới cần lấy đầu tư công làm nền tảng, đồng thời, các nguồn lực bên ngoài như FDI sẽ đóng vai trò hỗ trợ bổ sung cho quá trình phát triển.
“Bằng cách định vị đầu tư công như một điểm tựa tăng trưởng, Việt Nam có thể đảm bảo được tính độc lập, khả năng chống chịu và thích ứng trước những gián đoạn từ quốc tế”, TS. Adeel Ahmed nêu rõ.
Tuy vậy, TS. Adeel Ahmed cho rằng để đạt mục tiêu tăng trưởng GDP 8% đầy tham vọng, Việt Nam cần theo đuổi các cải cách cơ cấu đi kèm với những can thiệp chính sách kịp thời dựa trên kinh nghiệm quốc tế.
Một bước đi quan trọng là tăng thu nhập và tiết kiệm để kích thích tiêu dùng nội địa, thông qua việc sửa đổi Luật Thuế thu nhập cá nhân.Việt Nam nên duy trì một môi trường tài khóa thân thiện với doanh nghiệp bằng cách rà soát lại chính sách thuế.
Tránh tăng thuế nếu không thực sự cần thiết, vì điều này có thể ảnh hưởng đến năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp trong nước. Trong trường hợp cần thiết, cải cách thuế nên được thiết kế phù hợp với các mục tiêu dài hạn và được triển khai dần dần trong vòng hai đến ba năm.
“Chính phủ cũng cần xem xét lại các chính sách phí và miễn giảm, bao gồm việc giảm phí sử dụng đất, nhằm bù đắp chi phí gia tăng. Do đó, việc điều chỉnh các khuôn khổ pháp lý là rất cần thiết. Việc đơn giản hóa thủ tục hoàn thuế cũng sẽ giúp cải thiện tính thanh khoản”, ”, TS. Adeel Ahmed đề xuất.
Việt Nam cần đẩy nhanh cải cách cơ cấu, bao gồm đầu tư vào hạ tầng nhằm giảm các điểm nghẽn. Việc nâng cấp các ngành công nghiệp theo hướng công nghệ cao và thân thiện với môi trường là điều thiết yếu. Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa, tăng cường tác động lan tỏa của FDI, và phát triển nguồn nhân lực là những yếu tố then chốt.
“Các chính sách cần đảm bảo ổn định kinh tế vĩ mô, nâng cao tính minh bạch và tận dụng các hiệp định thương mại để đa dạng hóa thị trường. Với quyết tâm chính trị và các hành động có trọng tâm, Việt Nam có thể tiến gần tới mục tiêu tăng trưởng 8%”, TS. Adeel Ahmed kỳ vọng.
Còn theo Chuyên gia Kinh tế trưởng ADB Nguyễn Bà Hùng, dù tốc độ tăng trưởng kinh tế của Việt Nam so với các quốc gia trong khu vực là tương đối cao. Tuy nhiên, mô hình tăng trưởng hiện nay của Việt Nam đang gặp nhiều hạn chế vì phụ thuộc quá nhiều vào việc tăng vốn và lao động.
Trước đây, chỉ cần đầu tư khoảng 3–4 đồng vốn là tạo ra được 1 đồng GDP, nhưng hiện tại con số này đã tăng lên tới 6 đồng, chứng tỏ hiệu quả đầu tư đang giảm rõ rệt.
Ông Nguyễn Bà Hùng, Chuyên gia Kinh tế trưởng ADB. (Ảnh: Nguyễn Ngọc)
Để duy trì tốc độ tăng trưởng cao trong những năm tới, ông Nguyễn Bá Hùng cho rằng Việt Nam cần chuyển đổi mô hình tăng trưởng từ dựa vào nguồn lực sang dựa vào hiệu quả và đổi mới sáng tạo.
Trước hết, mô hình tăng trưởng dựa trên hiệu quả đòi hỏi phải nâng cấp công nghệ, cải thiện tổ chức sản xuất và giảm phụ thuộc vào việc gia tăng đầu vào, nhưng vẫn đảm bảo tốc độ tăng trưởng cao. Để đạt được điều đó, cần thiết lập một môi trường chính sách thuận lợi, trong đó là thị trường lao động và tài chính được vận hành một cách hiệu quả và minh bạch.
Ông Hùng phân tích, thị trường lao động thời gian qua đã có nhiều cải thiện, song vẫn còn tiềm năng phát triển nếu người lao động được tiếp cận đầy đủ thông tin về mức thu nhập theo ngành nghề, cũng như dự báo nhu cầu việc làm trong tương lai.
Khi có định hướng rõ ràng, lực lượng lao động sẽ chủ động học tập, chuyển đổi kỹ năng phù hợp, qua đó gia tăng nguồn cung chất lượng cho các ngành đang thiếu hụt và có triển vọng.
Bên cạnh đó, Việt Nam cần tiếp tục phát triển thị trường tài chính, đặc biệt là thị trường chứng khoán và trái phiếu doanh nghiệp, nhằm huy động các nguồn vốn dài hạn phục vụ đầu tư vào các dự án sản xuất kinh doanh quy mô lớn.
Mặc dù thị trường tài chính hiện đã có những dấu hiệu ổn định, nhưng vẫn cần được cải cách toàn diện và mở rộng về chiều sâu để phát huy vai trò trung chuyển vốn hiệu quả hơn.
Ngoài ra, một hướng đi mới cần được ưu tiên là mô hình tăng trưởng dựa trên đổi mới sáng tạo. Nếu như trước đây tăng trưởng chủ yếu dựa trên nền tảng công nghiệp hóa – hiện đại hóa truyền thống, thì hiện nay, nhờ sự phát triển nhanh chóng của công nghệ số, Việt Nam đang có cơ hội thực hiện bước nhảy vọt trong các lĩnh vực như dữ liệu lớn (Big Data), trí tuệ nhân tạo (AI), lập trình phần mềm và công nghệ thông tin.
“Đây là những lĩnh vực có tiềm năng tạo ra giá trị gia tăng cao, cần được ưu tiên đầu tư và phát triển, nhằm hiện thực hóa mục tiêu tăng trưởng dựa trên sáng tạo một cách nhanh chóng, hiệu quả và bền vững”, ông Hùng nhìn nhận.
Nhóm nghiên cứu của Trường Đại học Ngân hàng TP HCM dự báo GDP nửa cuối năm "rất triển vọng", khả năng trên 8%.
Cục An toàn Thực phẩm phát hiện hai lô thực phẩm bảo vệ sức khỏe CANCIVITA D3-GT bổ sung nhiều thành phần không có trong hồ sơ công bố, yêu cầu thu hồi.
Với việc GDP quý II/2025 tăng mạnh lên mức 7,96% và 6 tháng đầu năm tăng 7,52%, các chuyên gia đến từ CTCP Chứng khoán MB (MBS) dự báo tăng trưởng GDP cả năm 2025 sẽ đạt 7,9 - 8,1% nhờ đẩy mạnh vốn đầu tư công và đầu tư tư nhân.
Chuyên gia Ngô Trí Long đề xuất thành lập một ngân hàng chuyên trách để đáp ứng nhu cầu đầu tư vào lĩnh vực năng lượng, giúp Việt Nam đạt mục tiêu phát thải ròng bằng 0 vào 2050.