Chi phí lao động đắt đỏ là thách thức lớn với các doanh nghiệp Trung Quốc muốn mở nhà máy tại Mỹ. (Ảnh minh họa: Getty Images).
Ông Ryan Zhou, chủ công ty sản xuất quà tặng mới lạ ở miền đông Trung Quốc, đã làm việc không ngừng nghỉ từ đầu tháng 4 để mở nhà máy mới ở thành phố Dallas, bang Texas.
Trong nhiều tuần, ông phải chạy đua để tìm kiếm kho hàng, sắp xếp việc vận chuyển và xin visa lao động tại Mỹ cho nhân viên. Dự kiến cơ sở mới của ông sẽ mở cửa vào tháng 5.
Chuyển hoạt động sản xuất từ Trung Quốc sang Mỹ là quá trình rất phức tạp, nhưng ông Zhou không có lựa chọn nào khác. Nếu không tìm được cách để tránh thuế quan cao ngất ngưởng của Mỹ, công ty của ông có nguy cơ phá sản.
Vị doanh nhân giải thích: “Gần 95% đơn hàng của chúng tôi đến từ Mỹ. Chúng tôi không thể để mất thị trường này”.
Ông Zhou không phải người duy nhất có suy nghĩ như vậy. Các nhà sản xuất Trung Quốc trong một loại lĩnh vực đã hành động âm thầm nhưng nhanh chóng để mở cơ sở mới tại Mỹ trong những tuần gần đây, tờ South China Morning Post (SCMP) cho hay.
Trong nhiệm kỳ thứ hai, Tổng thống Mỹ Donald Trump đã nâng thuế quan đối với hàng hóa Trung Quốc lên 145%, dẫn đến việc Bắc Kinh trả đũa bằng cách áp thuế quan 125% lên các sản phẩm Mỹ. Các mức thuế này đe dọa sẽ cắt đứt dòng chảy thương mại Mỹ - Trung.
Công ty của ông Zhou chuyên sản xuất quà tặng theo yêu cầu, ví dụ như cốc sứ và áo in hình. Việc sản xuất những hàng hóa này ở Mỹ giúp ông tránh thuế quan nhưng cũng đi kèm với nhiều thách thức.
Tiền lương ở Mỹ đắt đỏ hơn nhiều Trung Quốc, các quy định về việc làm cũng nghiêm ngặt hơn nhiều. Ông Zhou dự định chỉ sản xuất những mặt hàng cần lượng nhân công tối thiểu tại nhà máy ở Dallas.
Nhiều nhà xuất khẩu khác của Trung Quốc cũng áp dụng chiến lược tương tự. Ông Zhu Ning, chủ công ty tư vấn giúp các doanh nghiệp Trung Quốc sản xuất tại Mỹ, cho biết ông đã nhận được câu hỏi từ ít nhất 100 doanh nghiệp trong 4 tháng qua - bằng với số lượng cả năm ngoái.
Ông Zhu cảnh báo các doanh nghiệp cần điều chỉnh chiến lược tại Mỹ để tối đa hóa lợi nhuận. Ông chỉ ra: “Nói một cách đơn giản, các dây chuyền sản xuất tự động hóa cao phù hợp hơn với hoạt động sản xuất tại Mỹ. Chi phí lao động của Mỹ cao và hiệu quả của người lao động không bằng Trung Quốc".
Ông Leo Li, chủ công ty sản xuất linh phụ kiện điện tử ở Thâm Quyến, có chung quan điểm trên. Ông đã mở cơ sở mới ở bang Nevada trong tháng 4.
Song, ông Li cho biết rắc rối lớn nhất với doanh nghiệp Trung Quốc mở nhà máy ở Mỹ là việc thiếu đi chuỗi cung ứng hoàn chỉnh. Các công ty thường gặp khó khăn trong việc tìm nguồn vật liệu hoặc thiết bị tại Mỹ - ngay cả khi họ sẵn sàng trả giá cao hơn.
Bất chấp những khó khăn này, ông Li thấy rằng việc chuyển sang Mỹ vẫn xứng đáng. Ông cho biết: “Quả thực chi phí của tôi sẽ tăng, nhưng dù sao cũng không tệ bằng thuế quan 145%”.
Đối với một số lĩnh vực, cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung có vẻ sẽ gây ra xáo trộn lớn trong chuỗi cung ứng toàn cầu.
Ông Ye Yingmin, nhà sáng lập công ty tư vấn ngành hóa chất và năng lượng Chem1 có trụ sở tại Bắc Kinh, chỉ ra rằng việc xây dựng các nhà máy tại Mỹ giờ đây có vẻ là một động thái hợp lý đối với các công ty hóa dầu hạ nguồn Trung Quốc.
Trước đây, những công ty này thường nhập khẩu nguyên liệu thô từ Mỹ và gửi thành phần sang Mỹ sau khi xử lý xong. Nhưng trong tình hình hiện nay, mô hình đó sẽ khiến doanh nghiệp phải chịu hai lượt thuế quan cao.
Ông Ye nhận xét: “Nguyên liệu thô chiếm tới 80 - 90 % tổng chi phí trong quá trình chế biến hạ nguồn trong ngành công nghiệp hóa dầu. Vì vậy, ngay cả mức thuế quan 10% cũng gây ảnh hưởng đáng kể đến hoạt động của ngành này”.
Ông dự đoán trong hai năm tới sẽ có “một làn sóng lớn” vốn đầu tư từ các công ty hóa dầu Trung Quốc đổ vào Mỹ. Công ty của ông cũng mới mở chi nhánh đầu tiên ở nước ngoài - cụ thể là bang Texas - để phục vụ dòng vốn này.
Ông Zhou, chủ nhà máy sản xuất quà tặng, bình luận: “Miễn là đồng USD vẫn duy trì sự thống trị toàn cầu, chúng tôi tin tưởng rằng Mỹ sẽ tiếp tục là thị trường tiêu dùng lớn nhất thế giới.
Cuộc chiến thuế quan sẽ thúc đẩy một làn sóng chuyển đổi. Cuối cùng, các công ty Trung Quốc sẽ tìm ra cách định vị lại bản thân trong thị trường Mỹ.
Người Mỹ vẫn sẽ cần những sản phẩm này và nhiều khả năng họ sẽ tiếp tục mua chúng từ các công ty Trung Quốc, nhưng thông qua các kênh mua bán hoặc mô hình kinh doanh khác với trước đây”.
Ông Zhou dự định sẽ tiếp tục sản xuất tại Mỹ kể cả sau khi hai nền kinh tế lớn nhất thế giới đạt được thỏa thuận để hạ nhiệt thương chiến.
Hôm 30/4, Mỹ và Ukraine đã ký thoả thuận khoáng sản mà hai bên mong chờ từ lâu.
Chính sách thuế quan mới của Tổng thống Mỹ Donald Trump có thể đẩy nhanh quá trình phân mảnh kinh tế toàn cầu, và các nước đang phát triển có thể phải chịu ảnh hưởng.
Thông tin này được Yuyuantantian, một tài khoản Weibo liên kết với Đài Truyền hình Trung ương Trung Quốc (CCTV), tiết lộ trong bài đăng mới đây.
Hôm 30/4, Tổng thống Trump đã tiếp tục có những bình luận gay gắt về Trung Quốc.