Kinh tế Quốc tế 01/05/2025 10:07

Ông Trump gọi Trung Quốc là 'kẻ lừa đảo số một', đàm phán trực tiếp chưa có dấu hiệu bắt đầu

Hôm 30/4, Tổng thống Trump đã tiếp tục có những bình luận gay gắt về Trung Quốc.

Tổng thống Mỹ Donald Trump. (Ảnh: AP).

Hôm 30/4, Tổng thống Mỹ Donald Trump đã gọi Trung Quốc là ứng cử viên hàng đầu cho danh hiệu “kẻ lừa đảo số một” về thương mại. Ông cũng cố gắng hạ thấp tác động kinh tế tiềm tàng của cuộc chiến thuế quan.

“Chúng ta đã bị tất cả các nước trên thế giới lừa gạt, nhưng tôi cho rằng Trung Quốc là ứng cử viên hàng đầu cho danh hiệu ‘kẻ lừa đảo số một’”, ông Trump phát biểu trong cuộc họp nội các tại Nhà Trắng.

Vị tổng thống tiếp tục bảo vệ mức thuế quan chưa từng có 145% mà ông áp lên hàng hoá nhập khẩu từ Trung Quốc, ngay cả khi các nhà phân tích và lãnh đạo doanh nghiệp cảnh báo về thiệt hại kinh tế tiềm tàng mà chúng sẽ gây ra, bao gồm những cú sốc đối với chuỗi cung ứng của Mỹ.

Theo hãng tin CNBC, ông Trump dường như cũng không hề nao núng trước nhận định người tiêu dùng Mỹ sẽ phải đối mặt với tình trạng các kệ hàng trống rỗng nếu cuộc chiến thương mại của ông kéo dài.

“Có người nói rằng, ‘chao ôi, các kệ hàng rồi sẽ trống rỗng’. Chà, có thể bọn trẻ sẽ chỉ có hai con búp bê thay vì 30 con, và có thể hai con búp bê ấy sẽ chỉ đắt hơn vài đô la”, nhà lãnh đạo 78 tuổi nói.

Lần gần nhất người Mỹ phải đối mặt với tình trạng thiếu hụt hàng hoá và chứng kiến những kệ hàng trống rỗng là trong đại dịch COVID-19 cách đây 5 năm. Vào thời điểm đó, cú sốc chuỗi cung ứng xảy ra do sự gián đoạn trong hoạt động thương mại quốc tế dưới tác động của các hạn chế trong đại dịch.

Lần này, tình trạng thiếu hụt có thể bắt nguồn từ các chính sách thương mại có chủ đích của Tổng thống Trump, theo CNBC.

Ông Trump cũng lập luận rằng Mỹ không cần nhiều hàng hoá được sản xuất tại Trung Quốc, ngay cả khi đất nước tỷ dân vẫn là nguồn nhập khẩu chính của siêu cường kinh tế số một thế giới.

“Họ có những con tàu chất đầy hàng hoá, phần lớn trong số đó là những thứ chúng ta không cần”, ông nhấn mạnh trước nội các.

Vị tổng thống đưa ra những phát biểu mới khi chính quyền của ông tuyên bố rằng Washington đang đàm phán với Bắc Kinh. Song, các quan chức Mỹ vẫn giữ kín mọi chi tiết, chẳng hạn như ai đang đàm phán, ở đâu hoặc với những đồng cấp nào.

Hôm 29/4, Bộ trưởng Bộ Tài chính Mỹ Scott Bessent đã né tránh khi CNBC hỏi liệu ông có đang dẫn dắt các cuộc đàm phán thương mại với Trung Quốc hay không. Đáp lại, ông Bessent nói ông Trump “đang dẫn dắt tất cả cuộc đàm phán”.

Tuy nhiên, Bộ trưởng Bộ Thương mại Mỹ Howard Lutnick cho biết các cuộc đàm phán với Bắc Kinh nằm trong phạm vi quản lý của ông Bessent. Theo ông Lutnick, như lời ông Bessent nói thì mối quan hệ Mỹ - Trung “cần phải được hạ nhiệt”.

“Đó là trách nhiệm của ông Bessent và Tổng thống Trump đã giao trách nhiệm cho ông ấy. Và tôi, và tất cả chúng tôi, đều hy vọng ông ấy có thể mang một thoả thuận về nước”, Bộ trưởng Lutnick nhấn mạnh với Newsmax vào ngày 30/4.

Một ngày trước đó, trên một chương trình của CNBC, ông Lutnick cho hay: “Danh mục [đàm phán] của tôi là thoả thuận thương mại với tất cả các nước còn lại trên thế giới”.

Trong khi đó, phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc Guo Jiakun đã phủ nhận vào đầu tuần này rằng Bắc Kinh đang đàm phán thuế quan với Washington.

“Theo như tôi biết, chưa có cuộc điện đàm nào giữa hai nhà lãnh đạo gần đây”, ông Guo nhấn mạnh.

Khả Nhân
CÙNG CHUYÊN MỤC
Kinh tế Quốc tế 01/05/2025 16:53
Mỹ và Ukraine ký thoả thuận khoáng sản, Kiev có quyền quyết định khai thác ở đâu

Hôm 30/4, Mỹ và Ukraine đã ký thoả thuận khoáng sản mà hai bên mong chờ từ lâu.

Kinh tế Quốc tế 01/05/2025 13:55
Kinh tế toàn cầu phân mảnh: Thách thức đối với các nước đang phát triển

Chính sách thuế quan mới của Tổng thống Mỹ Donald Trump có thể đẩy nhanh quá trình phân mảnh kinh tế toàn cầu, và các nước đang phát triển có thể phải chịu ảnh hưởng.

Kinh tế Quốc tế 01/05/2025 10:45
Đài CCTV: Mỹ đã liên hệ Trung Quốc để bắt đầu đàm phán

Thông tin này được Yuyuantantian, một tài khoản Weibo liên kết với Đài Truyền hình Trung ương Trung Quốc (CCTV), tiết lộ trong bài đăng mới đây.

Kinh tế Quốc tế 01/05/2025 10:13
Doanh nghiệp Trung Quốc cấp tốc mở nhà máy tại Mỹ để tránh thuế quan

Các nhà sản xuất Trung Quốc đang nỗ lực thiết lập cơ sở tại Mỹ để tránh thuế quan cao, nhưng họ đối mặt với nhiều thách thức đáng gờm.

QUẢNG CÁO
QUẢNG CÁO