2022-2023 được đánh giá là năm “mất mùa được giá” của ngành cà phê, bởi theo Hiệp hội Cà phê - Cacao Việt Nam (VICOFA) sản lượng cà phê của nước ta trong niên vụ vừa qua ước tính chỉ khoảng 1,5 - 1,6 triệu tấn, giảm 10 - 15% so với niên vụ trước do thời tiết không thuận lợi và làn sóng chuyển dịch cây trồng sang các loại cây ăn trái.
Sản lượng thu hẹp cộng với dự trữ ở mức thấp là nguyên nhân chính dẫn đến khối lượng cà phê xuất khẩu giảm so với niên vụ trước, nhưng bù lại giá mặt hàng này liên tục tăng cao và chạm mức cao nhất trong vòng 30 năm qua.
Theo số liệu của Tổng cục Hải quan, xuất khẩu cà phê của của nước ta trong tháng 9 đã giảm xuống mức thấp nhất trong nhiều tháng trở lại đây với khối lượng đạt 50.967 tấn, trị giá 168,7 triệu USD, giảm 48,2% về lượng và giảm 28,2% về trị giá so với cùng kỳ năm ngoái.
Tính chung trong quý III, xuất khẩu mặt hàng này chỉ đạt 246.051 tấn với trị giá 738,9 triệu USD, giảm 24,9% về lượng và 4,1% về trị giá so với cùng kỳ, do nguồn cung không còn nhiều.
Như vậy, kết thúc niên vụ 2022-2023 (từ tháng 10/2022 đến tháng 9/2023), xuất khẩu cà phê của Việt Nam đạt 1,66 triệu tấn (khoảng hơn 27,7 triệu bao), giảm 4,5% so với niên vụ 2021-2022. Tuy nhiên, kim ngạch thu về vẫn tăng 3,4% lên mức kỷ lục 4,08 tỷ USD nhờ giá tăng cao.
Trong niên vụ 2022-2023, giá xuất khẩu trung bình cà phê của nước ta đạt 2.451 USD/tấn, tăng 8,2% so với niên vụ trước. Tính riêng tháng 9, giá xuất khẩu cà phê tăng tháng thứ 7 liên tiếp lên mức kỷ lục mới là 3.310 USD/tấn, tăng 8,4% so với tháng trước và tăng 36 % (tương ứng 878 USD/tấn) so với cùng kỳ năm 2022.
Về thị trường tiêu thụ, Liên minh châu Âu (EU) vẫn là thị trường xuất khẩu cà phê lớn nhất của Việt Nam trong niên vụ 2022-2023 với khối lượng đạt 615.364 tấn, trị giá hơn 1,4 tỷ USD, giảm 7,1% về lượng và 0,3% về trị giá so với niên vụ trước. Thị trường này chiếm 37% tổng khối lượng cà phê xuất khẩu của nước ta.
Trong khối EU, xuất khẩu sang Đức đạt 203.317 tấn (-5,9%), Italy đạt 146.684 tấn (+6%), Tây Ban Nha và Bỉ giảm lần lượt 13,1% và 42,7%.
Ở chiều ngược lại, xuất khẩu cà phê sang thị trường tiêu thụ lớn thứ hai là Mỹ tăng 4,7% lên 132.471 tấn, chiếm 8% thị phần.
Ngoài ra, lượng cà phê xuất khẩu sang Algeria tăng 32,9%, Trung Quốc tăng 3,7%, Hàn Quốc tăng 17,1%, Mexico tăng 81,2%, đặc biệt Indonesia tăng tới 130,2%...
Ngoài xuất khẩu cà phê nhân, các doanh nghiệp cũng đang đẩy mạnh khâu chế biến và xuất khẩu cà phê rang xay, hòa tan, khai thác tối đa lợi thế từ các Hiệp định thương mại tự do (FTA) hướng đến mục tiêu xuất khẩu 6 tỷ USD vào năm 2030.
Số liệu từ Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương) cho thấy, kim ngạch xuất khẩu cà phê chế biến của nước ta trong 8 tháng đầu năm đã tăng tới 24,3% lên hơn 531 triệu USD, chiếm 18% tổng kim ngạch xuất khẩu cà phê của cả nước so với 15% của cùng kỳ. Các thị trường tiêu thụ cà phê chế biến hàng đầu của nước ta như EU, Trung Quốc, Nhật Bản, Indonesia… đều đẩy mạnh nhập khẩu trong 8 tháng qua.
Còn với các cà phê nhân, kim ngạch xuất khẩu robusta tăng nhẹ 2,4% lên gần 2,3 tỷ USD, trong khi arabica giảm 34,7% xuống còn 132,7 triệu USD.
Tại thị trường nội địa, giá cà phê robusta nhân xô tại Tây Nguyên đã tăng 40 – 50% trong niên vụ 2022-2023, từ 46.100 – 46.500 đồng/kg lên mức đỉnh 67.300 – 68.200 đồng vào ngày 19/9, sau đó điều chỉnh nhẹ xuống còn 66.400 – 66.600 đồng/kg vào thời điểm cuối tháng.
Giá cà phê chứng kiến đà tăng kỷ lục trong niên vụ vừa qua do nguồn cung robusta thế giới thiếu hụt trong bối cảnh các nước chịu động bởi hình thái thời tiết El Nino. Cùng lúc đó, tình hình kinh tế khó khăn khiến nhu cầu người tiêu dùng chuyển sang dùng hạt robusta thay vì arabica do có giá rẻ hơn.
Tổ chức Cà phê Quốc tế (ICO) dự báo thâm hụt cà phê toàn cầu trong niên vụ 2022-2023 vào khoảng 7,3 triệu bao. Trong đó, sản lượng robusta dự kiến giảm 2,1% xuống còn 72,7 triệu bao, trong khi arabica tăng 4,6% lên 98,6 triệu bao.
Hiện đang là thời điểm đầu vụ thu hoạch 2023-2024, do đó giá cà phê trong nước giảm 4% (tương ứng 2.800 – 2.900 đồng/kg) trong hơn 10 ngày đầu tháng 10, xuống còn 63.700 - 63.800 đồng/kg. Đây là mức giá thấp nhất kể từ tháng 6/2023 nhưng vẫn cao hơn 36 – 37% so với cùng kỳ năm trước.
Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương) cho biết, giá cà phê có xu hướng giảm do đồng Real của Brazil giảm xuống mức thấp gần 4 tháng, đã khuyến khích người dân nước này đẩy mạnh bán ra. Trong khi đó, Việt Nam chuẩn bị bước vào vụ thu hoạch cà phê niên vụ 2023- 2024, bắt đầu từ tháng 10 tới.
Trên thị trường thế giới, giá cà phê robusta kỳ hạn tháng 11 trên sàn giao dịch London đã giảm 4,4% trong một tháng qua, xuống còn 2.331 USD/tấn vào ngày 11/10.
Tương tự, giá cà phê arabica trên sàn giao dịch New York cũng giảm 3,5% so với tháng trước, dao động quanh mức 147,5 US cent/pound.
Mặc dù giá đang có xu hướng giảm nhưng triển vọng thị trường cà phê trong niên vụ 2023-2024 vẫn tương đối sáng.
Việt Nam, nước xuất khẩu cà phê robusta lớn nhất thế giới được cho là sẽ tiếp tục hưởng lợi từ xu hướng chuyển dịch nhu cầu từ cà phê arabica có giá thành cao sang robusta có giá rẻ hơn.
Số liệu của ICO cho thấy, trong 11 tháng đầu niên vụ 2022-2023 (tháng 10 đến tháng 8) xuất khẩu cà phê nhân xanh toàn cầu giảm 5% so với niên vụ trước, xuống còn 102,9 triệu bao. Trong đó, xuất khẩu arabica Brazil vẫn giảm 8%, arabica Colombia giảm 12,5% và arabica khác giảm 12,2%. Riêng robusta tăng 4,2% lên 40,9 triệu bao.
Tỷ trọng của cà phê robusta trong tổng xuất khẩu cà phê nhân toàn cầu đã tăng lên mức 39,9% từ mức 36,3% của cùng kỳ niên vụ trước. Ngược lại, tỷ trọng của arabica giảm xuống còn 60,1% so với 63,7% của cùng kỳ.
Còn theo báo cáo của Hiệp hội Xuất khẩu cà phê Brazil (Cecafe), xuất khẩu cà phê nhân xanh của nước này trong tháng 9 đã giảm 4,3% xuống còn hơn 3 triệu bao.
Chủ yếu là do xuất khẩu cà phê arabica giảm 20% so với cùng kỳ xuống 2,4 triệu bao, mức thấp nhất trong các tháng 9 của sáu năm qua. Tuy nhiên, nhu cầu cà phê robusta vẫn mạnh do đó xuất khẩu chủng loại này đã tăng hơn 4 lần lên 624.999 bao.
Tổng cộng 9 tháng đầu năm, xuất khẩu cà phê arabica của Brazil đã giảm 9,1% so với cùng kỳ năm 2022, còn robusta tăng tới 111%. Brazil là nước sản xuất cà phê arabica lớn nhất và là nước sản xuất robusta lớn thứ hai thế giới.
Tồn kho cà phê thế giới cũng đang thắt chặt do dự trữ cà phê arabica được chứng nhận trên sàn ICE giảm xuống mức thấp nhất 11 tháng là 440.853 bao trong ngày 20/9. Trong khi tồn kho cà phê robusta mặc dù tăng trở lại trong tháng 9 nhưng vẫn ở mức thấp trong nhiều năm qua.
Giá sầu riêng hôm nay duy trì ổn định so với cuối tuần trước tại các vùng trồng chính trên cả nước. Trong đó, sầu Thái có giá cao nhất, đạt tới 175.000 đồng/kg.
Bộ Công Thương đã trình Chính phủ 2 phương án về quyền mua bán xăng dầu của thương nhân phân phối.
Theo các nhà phân tích thị trường, giá vàng được dự đoán sẽ phục hồi trong năm tới, nhờ vai trò là tài sản trú ẩn an toàn và nhu cầu ổn định từ người tiêu dùng châu Á cũng như các ngân hàng trung ương.
Uỷ ban Thường vụ Quốc hội cho biết sẽ xin ý kiến đại biểu Quốc hội hai phương án chuyển từ phân bón từ diện không chịu thuế giá trị gia tăng (VAT) sang chịu thuế 5% hoặc 2%.