“Điều quan trọng là nền kinh tế, đồ ngốc!”
Trong cuộc đua vào Nhà Trắng năm 1992, câu nói này đã trở thành thông điệp trọng tâm trong chiến dịch tranh cử của ứng viên Bill Clinton.
Câu khẩu hiệu thể hiện cam kết của ông Clinton về năng lực điều hành kinh tế, đồng thời phản ánh niềm tin sâu rộng của cử tri rằng chính sách của tổng thống đóng vai trò quyết định đến xu hướng nền kinh tế Mỹ.
Nhờ thấu hiểu tâm lý cử tri, ông Clinton đã giành được chiếc ghế tại Nhà Trắng. Cho tới nay, đa số người Mỹ vẫn tin rằng tổng thống - và chính quyền của họ - là bên chịu trách nhiệm chính cho nền kinh tế. Nếu tăng trưởng bùng nổ thì chính phủ có công lớn nhất, nếu suy thoái xảy ra thì chính phủ có lỗi.
Bản thân các chính trị gia cũng thích khuếch đại tầm ảnh hưởng của tổng thống, bởi điều này có lợi cho chiến dịch tranh cử của họ.
Quả thực, chính phủ Mỹ có ảnh hưởng đáng kể đến nền kinh tế thông qua việc điều chỉnh các mức chi tiêu và chính sách thuế.
Chi tiêu của chính phủ đóng góp trực tiếp vào GDP, đồng thời ảnh hưởng trực tiếp đến triển vọng việc làm của người lao động với những dự án cơ sở hạ tầng mới hay các đợt tuyển dụng viên chức.
Chính phủ cũng có thể cắt giảm thuế thu nhập cá nhân hoặc thu nhập doanh nghiệp để thúc đẩy nền kinh tế. Khi người tiêu dùng có nhiều thu nhập khả dụng hơn, họ có thể tăng cường chi tiêu. Và nếu doanh nghiệp được giữ lại nhiều lợi nhuận sau thuế hơn, ban lãnh đạo sẽ có thêm nguồn lực để triển khai các kế hoạch đầu tư.
Tổng thống Mỹ Donald Trump dạo bước trò chuyện với Chủ tịch Fed Jerome Powell. (Ảnh: Fortune)
Trái với suy nghĩ của đại đa số công chúng, nhiều chuyên gia khẳng định chính phủ không phải chỉ huy thực sự của đoàn tàu kinh tế Mỹ.
Cục Dự trữ Liên bang (Fed) mới là bên có tầm ảnh hưởng lớn hơn. Fed có những công cụ mạnh mẽ để tác động đến nền kinh tế, quan trọng nhất là lãi suất quỹ liên bang.
Bằng việc điều chỉnh lãi suất quỹ liên bang, Fed có thể khiến chi phí vay trở nên đắt đỏ hơn hoặc rẻ đi, từ đó chi phối quyết định chi tiêu của doanh nghiệp và người tiêu dùng trên khắp nền kinh tế.
Ngoài ra, Fed cũng tác động đến cung tiền thông qua việc mua bán chứng khoán trên thị trường mở hoặc đóng vai trò người cho vay cuối cùng tới các ngân hàng. Báo cáo của Ủy ban Kinh tế Liên hợp Quốc hội Mỹ năm 1997 kết luận rằng chi tiêu và nhu cầu trong nền kinh tế Mỹ được định đoạt nhiều hơn bởi chính sách tiền tệ thay vì tài khóa.
Nói cách khác, mọi kế hoạch do chính phủ thực hiện nhằm tác động tới tổng cầu hoặc chi tiêu trong nền kinh tế đều có thể bị triệt tiêu hoàn toàn bởi các động thái của Fed. Fed có nhiều ảnh hưởng đến nền kinh tế hơn so với chính phủ, một phần nhờ vào cơ chế hoạt động độc lập trong việc hoạch định chính sách tiền tệ.
Fed đưa ra quyết định chính sách dựa trên phiếu bầu của các thành viên thuộc Ủy ban Thị trường Mở Liên bang (FOMC), không chịu sự phê duyệt của tổng thống hay bất kỳ quan chức chính phủ nào.
Mặc dù không chịu sự điều hành trực tiếp từ Tổng thống hay Chính phủ, Fed vẫn hoạt động trong khuôn khổ luật định do Quốc hội ban hành, và có trách nhiệm báo cáo định kỳ trước Quốc hội.
Cơ chế này giúp Fed có thể đưa ra các quyết định chính sách dài hạn, ít bị chi phối bởi các áp lực chính trị ngắn hạn, nhất là trong những giai đoạn nhạy cảm như bầu cử.
Nhờ vậy mà trong các giai đoạn khủng hoảng, Fed có thể nhanh chóng triệu tập các cuộc họp bất thường để ra đối sách ứng phó. Nhà Trắng tuy cũng có năng lực thiết lập các kế hoạch khẩn cấp nhanh chóng, nhưng chúng chỉ có thể được triển khai nếu có sự chấp thuận của Quốc hội.
Đặc biệt, nếu đảng của tổng thống không chiếm thế đa số tại Thượng viện và Hạ viện thì nguy cơ đề xuất của chính quyền đó rơi vào tình cảnh bế tắc là rất cao.
Thêm nữa, do mỗi nhiệm kỳ tổng thống bị giới hạn trong 4 năm nên chính quyền của người đó sẽ có khuynh hướng ủng hộ các chính sách tạo ra lợi ích kinh tế trong ngắn hạn, đặc biệt là khi gần tới mùa bầu cử mới.
Song, nhiệm kỳ của các thống đốc Fed kéo dài tới 14 năm, do đó họ sẵn sàng triển khai các chính sách cần thiết dù có thể làm mất lòng công chúng, ví dụ như tăng lãi suất.
Ví dụ, trong thời kỳ lạm phát tại Mỹ nhảy vọt lên 9,6% vào cuối thập niên 1970, Chủ tịch Fed Paul Volcker đã thuyết phục các đồng nghiệp nhanh chóng tăng mạnh lãi suất lên 20% để ghìm cương giá cả, dù cuối cùng chiến lược này đã đẩy Mỹ vào suy thoái.
Người bổ nhiệm ông Volcker - Tổng thống Jimmy Carter - thất bại trong chiến dịch tái tranh cử và phải rời khỏi vị trí quyền lực chỉ sau 4 năm.
Trong khi đó, ông Volcker ở lại ngân hàng trung ương Mỹ thêm 6 năm và hoàn tất công việc. Sau này, ông Volcker được ca ngợi là “người hùng” quả cảm dám làm điều kinh thiên động địa để dập lửa lạm phát, chứ không phải ông Carter hay người kế nhiệm Ronald Reagan.
Đến lúc lạm phát ở Mỹ bùng lên thời hậu COVID-19, một lần nữa nhà đầu tư và công chúng trông cậy vào Fed và Chủ tịch Jerome Powell để khắc phục tình hình, chứ không phải Tổng thống Joe Biden.
Trong nhiệm kỳ đầu tiên, ông Donald Trump đã khiến cả thế giới sửng sốt khi phát động cuộc chiến thương mại với Trung Quốc.
Trong nhiệm kỳ thứ hai, ông còn đi xa hơn khi khởi động thương chiến toàn cầu. Viện dẫn Đạo luật Quyền hạn Kinh tế Khẩn cấp Quốc tế (IEEPA), ông Trump ra lệnh tăng mạnh thuế quan lên hàng hóa từ hầu hết mọi quốc gia và vùng lãnh thổ trên khắp thế giới.
Trước nhiệm kỳ thứ hai của ông Trump, mức thuế quan hiệu lực trung bình của Mỹ vào khoảng 2,4%, theo số liệu do trung tâm nghiên cứu Yale Budget Lab cung cấp. Sau các vòng áp thuế liên tiếp và thỏa thuận thương mại mới nhất của Mỹ, con số này hiện là 17,8% - cao hơn bất kỳ thời điểm nào kể từ năm 1934.
Trước khi hai nước Mỹ - Trung đình chiến thương mại vào đầu tháng 5, mức thuế quan hiệu lực trung bình của Mỹ có lúc đã nhảy vọt lên 28%.
Thuế quan cao hẳn nhiên là bất lợi lớn đối với các đối tác thương mại của Mỹ. Nhưng chính nền kinh tế Mỹ cũng đối mặt với những rắc rối nghiêm trọng vì chính sách của ông Trump.
Về cơ bản, thuế quan sâu rộng của ông Trump là một dạng cú sốc nguồn cung, làm giảm số hàng hóa nhập khẩu vào Mỹ. Điều này có thể gây ra tình trạng thiếu hụt và kéo giá cả lên cao, giống với những gì diễn ra trong đại dịch COVID-19. Nhiều nhà kinh tế đã thấy rõ mối nguy trên ngay khi ông Trump đề xuất tăng đáng kể thuế quan trong chiến dịch tái tranh cử và hẳn Fed cũng vậy.
Tuy nhiên, trong các cuộc họp chính sách từ đầu năm đến nay, Fed chỉ lặp lại cam kết sẽ quan sát dữ liệu kỹ lưỡng mà không thực hiện bất kỳ thay đổi nào tới lãi suất quỹ liên bang.
Vì sao các quan chức cứ án binh bất động mà không có động thái “rào trước” nào để dập mối nguy giá cả bùng phát trở lại, ví dụ như tăng lãi suất?
Đó là bởi ngoài cú sốc nguồn cung, thuế quan của Nhà Trắng cũng có thể gây ra cú sốc tới nhu cầu. Khi giá cả hàng hóa trở nên đắt đỏ hơn vì chi phí nhập khẩu gia tăng, người tiêu dùng Mỹ có thể sẽ cắt giảm chi tiêu. Do chi tiêu tiêu dùng đóng góp tới 70% GDP Mỹ, người tiêu dùng dè sẻn hơn sẽ gây tác động trực tiếp khiến nền kinh tế giảm tốc.
Quả thực, sau khi cuộc họp chính sách đầu tháng 5 kết thúc, Chủ tịch Fed Jerome Powell thẳng thắn nói với các phóng viên rằng thuế quan đối ứng của ông Trump nhiều khả năng sẽ khiến “lạm phát gia tăng, tăng trưởng kinh tế giảm tốc và tỷ lệ thất nghiệp đi lên”.
Sau khi báo cáo của Bộ Thương mại Mỹ cho thấy GDP quý I tăng trưởng âm 0,3%, nỗi lo về nguy cơ Mỹ suy thoái ngày càng lớn.
Giới đầu tư và ông Trump có vẻ lo ngại về rủi ro suy thoái nhiều hơn cả lạm phát. Ông Trump đã nhiều lần công khai kêu gọi Fed hạ lãi suất và thậm chí còn kêu gọi sa thải Chủ tịch Powell vì hành động chậm trễ.
Tuy nhiên, nếu Fed giảm lãi suất quá sớm thì rất có thể lạm phát sẽ tăng tốc trở lại và khi đó các quan chức sẽ phải tăng mạnh lãi suất để khống chế áp lực giá. Và nếu lúc đó nền kinh tế Mỹ cũng đang giảm tốc vì thuế quan, rất có thể động thái tăng lãi suất của Fed sẽ kích hoạt một cuộc suy thoái.
Chính Chủ tịch Fed cũng nói rõ chính quyền ông Trump có vị thế tốt hơn Fed để giải quyết rủi ro lạm phát và những yếu tố bất ổn trong nền kinh tế.
Ông nói: “Chúng tôi đang quan sát các dữ liệu. Nhưng xét cho cùng, đây là việc của chính quyền ông Trump. Đây là nhiệm vụ của họ, không phải của chúng tôi... Chính quyền ông Trump đang bắt đầu đàm phán với một số đối tác thương mại quan trọng và điều đó có khả năng thay đổi đáng kể bức tranh kinh tế”.
Nhiều chuyên gia đã lưu ý về việc Fed không còn có thể chủ động dẫn dắt chính sách mà phải phản ứng, điều chỉnh theo các quyết định từ Nhà Trắng.
Bà Claudia Sahm, nhà kinh tế trưởng của New Century Adivsors, chỉ ra: “Khi quan sát Fed, chúng ta có thể thấy rằng họ không còn mang dáng dấp ‘bậc thầy vũ trụ’ như trước. Fed phụ thuộc vào các chính sách từ Nhà Trắng. Họ ở thế bị động”.
Bản chất thất thường của chính sách thuế quan càng khiến Fed khó có thể phản ứng nhanh chóng. Ví dụ, nhiều doanh nghiệp và một số công ty đầu tư đã cảnh báo thuế quan 145% đánh vào hàng hóa Trung Quốc sẽ khiến Mỹ rơi vào cảnh thiếu hụt hàng hóa, sớm nhất vào mùa hè hoặc muộn hơn là vào dịp nghỉ lễ cuối năm.
Nhưng vào ngày 12/5, Mỹ - Trung đã đạt được thỏa thuận giảm mạnh thuế quan lên hàng hóa của nhau trong 90 ngày. Tranh thủ khoảng thời gian “đình chiến”, nhiều doanh nghiệp đang tức tốc chất hàng lên thuyền đem về Mỹ để kịp cho mùa mua sắm cuối năm. Như vậy, tác động dự kiến của thuế quan đã được đẩy lùi và giảm nhẹ đáng kể.
Cùng với các động thái thuế quan của Nhà Trắng, giới đầu tư cũng điều chỉnh kỳ vọng về lộ trình giảm lãi suất của Fed. Sau khi ông Trump công bố kế hoạch thuế quan đối ứng vào đầu tháng 4, nhà đầu tư dự đoán trong năm 2025 Fed sẽ hạ lãi suất 4 lần, mỗi lần 0,25 điểm %.
Song, hiện tại thị trường cho rằng các quan chức chỉ sẵn sàng thực hiện một hoặc hai đợt cắt giảm. Tuy nhiên, điều gì sẽ diễn ra sau 90 ngày đó là điều không ai có thể nói trước.
Nếu may mắn, Mỹ - Trung sẽ đi đến một thỏa thuận lâu dài làm đẹp lòng đôi bên, nhưng cũng có khả năng thương chiến giữa hai nước sẽ leo thang. Khi đó, viễn cảnh thiếu hụt hàng hóa và áp lực giá cả bật tăng sẽ quay trở lại ám ảnh nước Mỹ.
Bà Seema Shah, Giám đốc chiến lược toàn cầu của công ty quản lý tài sản Principal Asset Management, mô tả tình thế tiến thoái lưỡng nan của Fed: “Fed đang bị đẩy vào tình huống mà họ gần như không thể giải quyết tốt đẹp. Hai nhiệm vụ chính của họ - bảo vệ thị trường lao động và ổn định giá cả - nhiều khả năng sẽ mâu thuẫn với nhau.
Trong khi đó, chính sách của chính phủ - vốn đang rất bất định - mới là điều quyết định cả thời gian lẫn mức độ biến động của lạm phát và tốc độ tăng trưởng. Trong tình huống này, Fed còn có thể làm gì khác ngoài việc án binh bất động?”
Hiện tại, mặc cho những lời kêu gọi cắt giảm lãi suất, giới chức Fed vẫn tin rằng nền kinh tế Mỹ đang trong trạng thái lành mạnh và các quan chức có thể kiên nhẫn quan sát dữ liệu. Mong rằng thời gian sẽ chứng minh họ đã đúng. Nếu không, nền kinh tế Mỹ và thế giới sẽ phải đối mặt với giai đoạn đầy khó khăn.
(Trích Đặc san Doanh nhân Việt Nam - Số Tháng 6 của Tạp chí Điện tử Doanh nhân Việt Nam)
Ngân hàng trung ương này đang phải nỗ lực bình thường hoá chính sách vào thời điểm tăng trưởng GDP chậm lại, chính sách thuế quan của Mỹ tiếp tục đe doạ nền kinh tế và tiền lương thực tế của người dân sụt giảm.
Thủ tướng Nhật Bản Shigeru Ishiba ngày 8/7 cho biết nước này sẽ tiếp tục tiến hành các cuộc đàm phán với Mỹ nhằm tìm kiếm một thỏa thuận thương mại song phương.
Trung Quốc và phương Tây đều đang nỗ lực đảm bảo nguồn cung các khoáng sản thiết yếu đối với nền kinh tế.
Chia sẻ với báo chí vào tối 7/7, ông Trump đã phát tín hiệu sẵn sàng đàm phán thuế quan đối ứng với các nước.