Trong năm 2024, cơ quan thuế Trung Quốc đã kiểm tra 169 người có sức ảnh hưởng trên mạng. Họ đã truy thu được gần 900 triệu Nhân dân tệ (124 triệu USD) tiền thuế chưa nộp, theo Sixth Tone.
Tại một cuộc họp báo diễn ra hồi tháng 4, Tổng cục Thuế Nhà nước Trung Quốc (STA) nhấn mạnh nỗ lực chống trốn thuế. Họ nhắm vào các ngành có rủi ro cao và những cá nhân nổi tiếng, bao gồm cả người của công chúng và các influencer (người có sức ảnh hưởng).
Ông Quách Thuận Dân, Cục trưởng Cục Thanh tra của STA, nói: "Chúng tôi tin rằng, chống trốn thuế chính là cách tốt nhất để bảo vệ những người nộp thuế trung thực”.
Ngành livestream của Trung Quốc đã phát triển rất nhanh trong những năm qua. Ngành này tạo ra nhiều việc làm và thúc đẩy chi tiêu của người dân.
Theo Hiệp hội Biểu diễn Nghệ thuật Trung Quốc, năm 2023, lĩnh vực này mang về doanh thu 209,5 tỷ Nhân dân tệ. Con số này tăng 5,15% so với năm trước. Đến năm 2024, toàn bộ ngành nghe nhìn trực tuyến, bao gồm livestream, video ngắn và phim siêu ngắn, đã đạt quy mô 1.220 tỷ Nhân dân tệ.
Tuy nhiên, vài năm gần đây, các vụ trốn thuế của những influencer hàng đầu đã gây chú ý. Dư luận đã chỉ trích mạnh mẽ những vụ việc này.
Vấn đề trở nên nóng hổi vào năm 2021. Một streamer hàng đầu là Hoàng Vi (thường gọi là Viya) bị phát hiện trốn thuế hơn 640 triệu Nhân dân tệ. Cô đã giấu thu nhập và khai báo sai sự thật. Viya bị phạt 1,34 tỷ Nhân dân tệ và đã không livestream trở lại kể từ đó.
Theo báo cáo thường niên năm 2025 của Trung Quốc về dịch vụ nghe nhìn trên mạng, số streamer chuyên nghiệp đã vượt 38 triệu người. Tính đến năm ngoái, đã có hơn 800 triệu người dùng xem livestream.
Các streamer thường kiếm tiền từ nhiều nguồn. Đó là quảng cáo sản phẩm, hoa hồng bán hàng, quà tặng ảo, lương và phí dịch vụ. Theo luật thuế thu nhập cá nhân của Trung Quốc, thu nhập trên 960.000 Nhân dân tệ một năm phải chịu mức thuế cao nhất là 45%. Tuy nhiên, các hộ kinh doanh cá thể có thể khấu trừ chi phí. Việc này giúp giảm thu nhập chịu thuế và mức thuế tối đa chỉ là 35%.
Từ năm 2024, cơ quan thuế đã công khai ít nhất 10 streamer trốn thuế. Các vụ việc này được dùng làm lời cảnh báo. Những người vi phạm phải trả lại hàng triệu Nhân dân tệ tiền thuế và tiền phạt. Các lỗi thường gặp là giấu tiền hoa hồng, khai thuế giả, và lập công ty vỏ bọc. Mục đích là để biến thu nhập cá nhân thành doanh thu công ty nhằm hưởng thuế suất thấp hơn.
Một trường hợp cụ thể là Nhạc Xuyên Cừ. Cô là một influencer gây tranh cãi, chuyên bán các khóa học về mối quan hệ.
Cơ quan thuế Thượng Hải phát hiện có điều bất thường. Các khóa học của cô có giá rất cao, hơn 3.000 Nhân dân tệ một khóa. Nhưng trong hai năm, thu nhập cá nhân cô kê khai chỉ hơn 600.000 Nhân dân tệ.
Điều tra thêm cho thấy cô đã giấu thu nhập từ cửa hàng online. Cô cũng dùng các công ty vỏ bọc để khai sai thu nhập cá nhân thành doanh thu kinh doanh. Việc này giúp cô hưởng thuế ưu đãi.
Nhạc Xuyên Cừ bị yêu cầu nộp lại 7,58 triệu Nhân dân tệ. Số tiền này bao gồm thuế chưa nộp, phí nộp chậm và tiền phạt. Luật thuế Trung Quốc cho phép phạt tiền từ 50% đến gấp năm lần số tiền đã trốn.
Các chuyên gia cho rằng những vụ việc này cho thấy nhiều thách thức. Việc điều tra cấu trúc tài chính phức tạp của các influencer rất khó khăn. Mối liên hệ của họ với các nền tảng và bên trung gian cũng làm tăng độ khó.
Hác Hiểu Vĩ, một phó giáo sư về thuế, nói với truyền thông: "Một số streamer thông đồng với các nền tảng và bên trung gian để giấu thu nhập. Điều này càng làm phức tạp việc giám sát của cơ quan quản lý. Hiện tại, luật pháp Trung Quốc về chia sẻ thông tin thuế vẫn chưa hoàn thiện. Các cơ quan chức năng chưa thể lấy dữ liệu thuế trực tiếp từ các nền tảng livestream và thanh toán”.
Để khắc phục những lỗ hổng này, các nhà quản lý đã đưa ra quy định chặt chẽ hơn. Năm 2022, một hướng dẫn chung đã được ban hành. Hướng dẫn này yêu cầu các nền tảng livestream phải báo cáo thu nhập của streamer 6 tháng một lần.
Trong chiến dịch tuyên truyền thuế năm nay, các nhà chức trách cũng có kế hoạch mới. Họ sẽ mở các lớp tập huấn cho streamer, nhưng chi tiết chưa được công bố.
Theo chuyên gia, việc sáp nhập cấp tỉnh, cấp xã, bỏ cấp huyện sẽ tác động tích cực đến thị trường bất động sản, nhưng cũng sẽ có xáo trộn trong ngắn hạn.
Các chuyên gia cho rằng đề xuất tăng giá đất nông nghiệp được kỳ vọng giảm chi phí chuyển mục đích sử dụng, nhưng dễ gây đầu cơ, méo mó thị trường nếu áp dụng thiếu kiểm soát.
Một số chủ đầu tư bắt đầu công bố "chốt đơn" bán nhà qua livestream, nhưng chuyên gia cho rằng đây có thể chỉ là chiêu hút truyền thông cho dự án chứ không phải "xu thế mới".
Một thương hiệu Food & Beverage (F&B) hôm nay không thể chỉ bán đồ ăn mà phải bán cả một trải nghiệm, một lối sống, một niềm tin văn hoá. Ẩm thực Việt có đầy đủ nền tảng để vươn tầm như kim chi Hàn hay sushi Nhật? Để bàn luận về câu chuyện này, người viết đã có cuộc trao đổi với ông Nguyễn Thái Dương là Giám đốc Marketing (CMO) của CTCP iPOS.vn – đơn vị cung cấp giải pháp công nghệ dành cho ngành F&B.