Trong cuộc họp công bố kết quả kinh doanh gần đây, CEO Tim Cook cho biết hầu hết các sản phẩm Apple bán tại Mỹ sẽ được sản xuất ở Việt Nam, trừ iPhone. Trong khi một nửa số iPhone sẽ được chuyển từ Ấn Độ, nửa còn lại vẫn từ Trung Quốc.
Thông tin cho thấy tầm quan trọng và vai trò của Việt Nam trong chuỗi cung ứng sản xuất của “gã khổng lồ” công nghệ Mỹ.
Bên ngoài một khu công nghiệp ở phía Bắc. (Ảnh: Linh Phạm/Bloomberg).
Từ 2017, Apple bắt đầu đa dạng hóa sản xuất, tránh phụ thuộc vào Trung Quốc. Họ chuyển một phần sản xuất AirPods, iPad và MacBook sang Việt Nam. Đến năm 2023, hơn 10% trong số 200 nhà cung cấp lớn nhất của Apple đặt nhà máy tại Việt Nam.
Tới năm 2024, Apple đã mở rộng mạnh hoạt động tại Việt Nam, bổ sung thêm 8 đối tác mới. Hiện tại, tổng số nhà cung cấp của Apple ở Việt Nam đã lên đến 35. Nhờ đó, Việt Nam trở thành trung tâm cung ứng lớn nhất của Apple tại Đông Nam Á và lớn thứ 4 trên toàn cầu, chỉ sau Trung Quốc (158), Đài Loan (49) và Nhật Bản (44).
Trong 8 năm qua, Apple liên tục tăng số lượng đối tác tại Việt Nam. Công ty đã hợp tác với nhiều tập đoàn lớn như Foxconn, Luxshare, Samsung, Intel và LG. Việt Nam hiện có nhiều nhà máy quy mô lớn tham gia sản xuất các sản phẩm quan trọng của Apple như AirPods, iPad và Apple Watch.
Các chuyên gia dự báo rằng đến năm 2025, Việt Nam sẽ sản xuất khoảng 20% tổng số iPad và Apple Watch, 5% MacBook và tới 65% AirPods. Sự phát triển này cho thấy Việt Nam ngày càng giữ vai trò quan trọng trong chiến lược sản xuất toàn cầu của Apple.
Việc Apple chọn Việt Nam để xây dựng cứ điểm sản xuất bên ngoài Trung Quốc không phải là một hoạt động đơn lẻ. Việt Nam bắt đầu hành trình trở thành trung tâm sản xuất công nghệ toàn cầu từ năm 2008, khi Samsung khởi công nhà máy điện thoại thông minh đầu tiên tại đây.
CEO Tim Cook trong chuyến thăm Việt Nam năm 2024. (Ảnh: Giang Huy/VnExpress).
Năm 2018, khi Tổng thống Trump phát động cuộc chiến thương mại với Trung Quốc, Việt Nam có cơ hội lớn để thu hút các công ty quốc tế. Với môi trường chính trị ổn định và nguồn lao động giá rẻ, Việt Nam nhanh chóng trở thành điểm đến thay thế Trung Quốc trong chiến lược “Trung Quốc cộng một”. Từ đó, dòng vốn đầu tư đổ vào ngày càng nhiều.
Hiện nay, phần lớn điện thoại thông minh của Samsung được sản xuất tại Việt Nam. Nhiều tập đoàn lớn như Foxconn, Nintendo, Lenovo, Luxshare, Goertek và Pegatron cũng đã mở nhà máy mới tại đây.
Tỉnh Bắc Ninh, nơi đặt nhà máy Samsung, cùng với tỉnh Bắc Giang, đã trở thành điểm đến quan trọng cho các công ty điện tử muốn giảm phụ thuộc vào Trung Quốc. Nhiều doanh nghiệp công nghệ Trung Quốc đã đến Bắc Ninh, góp phần hình thành một “phố Tàu” mới, theo mô tả của Rest of World.
Sức chống chịu với khó khăn của ngành sản xuất Việt Nam cũng được “thử lửa” qua đợt khủng hoảng vì COVID-19. Năm 2021, khi COVID-19 gây gián đoạn chuỗi cung ứng công nghệ, Việt Nam đứng trước áp lực lớn phải chứng minh với các nhà đầu tư rằng sản xuất vẫn có thể duy trì ổn định.
Việt Nam triển khai chính sách “ba tại chỗ” tại các tỉnh có nhà máy. Công nhân phải làm việc, ăn uống và nghỉ ngơi tại chỗ. Một số ngủ ngay trong khuôn viên nhà máy. Intel đã chi hàng triệu đô la để thuê khách sạn cho công nhân lưu trú vào thời điểm đó.
Nhanh chóng đến cuối năm 2021, Việt Nam kiểm soát được dịch trong nhà máy. Sản xuất dần trở lại bình thường.
Năm 2022, Trung Quốc áp dụng các biện pháp chống dịch nghiêm ngặt hơn. Nhiều nhà sản xuất buộc phải chuyển bớt hoạt động sang Việt Nam. Chi phí thấp, nhiều hiệp định thương mại và môi trường chính sách ổn định đã giúp Việt Nam trở thành lựa chọn hấp dẫn với các tập đoàn công nghệ đang rút khỏi Trung Quốc.
Đến giữa năm 2023, nhu cầu tiêu dùng toàn cầu giảm mạnh khiến nhiều dây chuyền lắp ráp ở Việt Nam rơi vào khó khăn. Hàng loạt doanh nghiệp phải cắt giảm nhân sự. Tuy nhiên đến năm 2024, khi ngành sản xuất dần phục hồi, các nhà cung cấp của Apple tiếp tục mở rộng sản xuất tại Việt Nam, làm cho nhu cầu tuyển dụng tăng cao và cạnh tranh nhân lực trở nên gay gắt.
Những điều này cho thấy sức hấp dẫn của ngành sản xuất công nghệ Việt Nam đối với các ông lớn công nghệ như Apple, Samsung, bất chấp nguy cơ áp thuế đối ứng 46% từ phía Mỹ.
Trong năm 2024, chỉ một mình Vinfast đã khiến bức tranh đầu tư ra nước ngoài của các DN Việt Nam có những thay đổi rõ rệt, khi đẩy Indonesia và Ấn Độ vào Top 3. Tuy nhiên, Lào vẫn là thị trường được các DN Việt Nam ưa chuộng nhất, bởi nó mang lại nhiều lợi ích thiết thực, ví dụ như cho THACO.
Từ ngày 1/7, ông Alejandro Osorio sẽ đảm nhiệm vị trí Giám đốc Điều hành của Grab Singapore; ông Mã Tuấn Trọng sẽ đảm nhiệm vị trí Giám đốc Điều hành của Grab Việt Nam.
Đa dạng hoá nguồn cung trong đó có Việt Nam là cách các nhà bán hàng trên thương mại điện tử né thuế suất 145% mà Tổng thống Mỹ Donald Trump áp lên hàng hoá Trung Quốc.
Dự án nhà ở thấp tầng của CapitaLand tại Hưng Yên có diện tích 25 ha, tổng giá trị phát triển khoảng hơn 18.000 tỷ đồng.