(Ảnh: SBV)
Ngân hàng Nhà nước (NHNN)đang lấy ý kiến dự thảo thông tư mới vềcông ty quản lý nợ và khai thác tài sản (AMC) trực thuộc tổ chức tín dụng, nhằm thay thế quy định cũ không còn phù hợp.
NHNN cho biếtdo điều kiện kinh tế - xã hội thay đổi, các quy định pháp luật về hoạt động của các AMC không còn phù hợp.
Dự thảo Thông tư được xây dựng trên cơ sở kế thừa một số quy định vẫn còn phù hợp tại Quyết định số 1390/2001/QĐ-NHNN và có sửa đổi đề phù hợp Luật Các TCTD năm 2024 và một số quy định pháp luật hiện hành về ủy quyền, quy định về mua, bán nợ của TCTD…
Cụ thể, về nguyên tắc hoạt động, Dự thảo quy định công ty quản lý nợ là công ty con của TCTD chỉ được mua nợ khi TCTD có công ty quản lý nợ đó có tỷ lệ nợ xấu dưới 3% theo kỳ phân loại gần nhất theo quy định của NHNN trước thời điểm ký hợp đồng mua nợ trừ trường hợp mua nợ theo phương án cơ cấu lại đã được phê duyệt.
Nhằm đáp ứng bối cảnh hiện tại khi hoạt động của các TCTD đa dạng hơn trước, việc tiếp nhận, xử lý các khoản nợ theo ủy quyền của AMC cần được mở rộng để đảm bảo có nguồn lực xử lý các khoản nợ xấu phát sinh trong hoạt động của TCTD.
Do đó, dự thảo đã quy định mở rộng thêm về các khoản nợ công ty AMC được phép xử lý.
Theo đó, khoản nợ mà AMC thực hiện quản lý, khai thác theo ủy quyền là nợ xấu bao gồm cả nội bảng, ngoại bảng và việc xác định khoản nợ, nợ xấu nội bảng theo quy định tại Thông tư 31 của NHNN.
Đối với khoản nợ công ty AMC được mua, bán chỉ bao gồm các khoản nợ xấu nội bảng, ngoại bảng phát sinh từ nghiệp vụ cho vay, khoản trả thay cho bảo lãnh, khoản phải thu từ hợp đồng cho thuê tài chính. Việc xác định nợ xấu theo Thông tư 31.
Theo lý giải của NHNN, trước đây, mục tiêu của việc thành lập công ty quản lý nợ là để xử lý các khoản nợ xấu và tài sản tồn đọng của TCTD. AMC giúp các TCTD thu hồi nợ khó đòi, tái cấu trúc các khoản vay và giảm tỷ lệ nợ xấu, góp phần làm sạch bảng cân đối kế toán của TCTD giúp hoạt động an toàn và hiệu quả hơn.
Do đó, việc quy định phạm vi khoản nợ được tiếp nhận, quản lý, xử lý theo ủy quyền; mua, bán là khoản nợ xấu phù hợp với mục tiêu chính của việc thành lập công ty quản lý nợ, giúp công ty quản lý nợ tập trung xử lý đối với các khoản nợ xấu.
Đồng thời, tránh được việc TCTD lợi dụng hoạt động của công ty quản lý nợ để mua, bán nợ để làm thay đổi số liệu, tình hình nợ xấu của TCTD.
Dự thảo cũng bổ sung quy định đểcông ty quản lý nợ có cơ sở thực hiện hoạt động định giá tài sản theo ủy quyền của NHTM và nhu cầu của khách hàng.
Cùng với đó, để xử lý khó khăn, vướng mắc cho các ngân hàng được chuyển giao bắt buộc trong việc xử lý nợ khi chưa có công ty AMC, Dự thảo bổ sung quy định tại khoản 2: “Trường hợp công ty quản lý nợ là công ty con của ngân hàng nhận chuyển giao bắt buộc thì được tiếp nhận, quản lý, xử lý nợ; tiếp nhận, quản lý, xử lý tài sản bảo đảm của ngân hàng được chuyển giao bắt buộc.”.
Bên cạnh đó, Dự thảo cũng quy định cụ thể để đảm bảo phân định rõ quyền, nghĩa vụ của Công ty AMC; quy định về báo cáo nộp cho các cơ quan có thẩm quyền;...
NHNN cũng cho biết thực tiễn hiện nay một số ngân hàng báo cáo hiện đang có AMC thực hiện các hoạt động kinh doanh khác (ngoài hoạt động quản lý nợ và khai thác tài sản quy định tại Quyết định 1390).
Do đó, để đảm bảo mục tiêu quản lý theo quy định tại Điều 111, Điều 118, Điều 123 tại Luật Các TCTD, Dự thảo cũng yêu cầu các AMC thực hiện chuyển tiếp để đáp ứng các điều kiện phạm vi hoạt động của các AMC trong quy định mới này.