Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình tới thăm một nhà máy sản xuất vòng bi ở Lạc Dương. (Ảnh: CGTN).
Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình một lần nữa kêu gọi tăng cường tính “tự lực” của ngành sản xuất trong nước. Điều này cho thấy Bắc Kinh vẫn đang tập trung vào một chiến lược đã gây ra căng thẳng với các đối tác thương mại trong thời gian qua.
Ông Tập đưa ra lời kêu gọi trên trong chuyến thăm tới một nhà máy sản xuất vòng bi có lịch sử lâu đời vào ngày 20/5 - chỉ khoảng một tuần sau khi Mỹ và Trung Quốc nhất trí tạm thời đình chiến thương mại trong vòng 90 ngày. Hai bên đồng ý giảm mạnh thuế quan áp dụng lên hàng hóa của nhau, tránh việc cắt đứt hoạt động thương mại giữa hai nền kinh tế lớn nhất thế giới.
Trong những năm gần đây, nhiều chuyên gia kinh tế đã kêu gọi các nhà hoạch định chính sách Trung Quốc chuyển hướng khỏi trọng tâm lâu nay là sản xuất công nghệ cao để kích cầu nội địa.
Họ lập luận rằng chiến lược này khiến Trung Quốc trở nên phụ thuộc vào ngành sản xuất và xuất khẩu để tăng trưởng. Các nhà kinh tế cũng cho rằng việc Bắc Kinh chú trọng vào sản xuất thay vì tiêu dùng đã góp phần thúc đẩy tình trạng mất cân bằng kinh tế trên toàn cầu, dẫn đến cuộc chiến thương mại với Mỹ.
Tuy nhiên, ông Tập khẳng định việc Trung Quốc tập trung vào sản lượng công nghiệp là quyết định đúng đắn.
Tờ Xinhua dẫn lời nhà lãnh đạo Trung Quốc: “Trước đây, chúng ta phụ thuộc vào diêm, xà phòng và sắt nhập khẩu từ nước ngoài, ngày nay Trung Quốc đã trở thành quốc gia sản xuất lớn nhất thế giới. Chúng ta cần tiếp tục cải thiện ngành sản xuất, tập trung vào sự tự lực, tự hoàn thiện và làm chủ các công nghệ cốt lõi quan trọng”.
Trung Quốc đã chú trọng và khả năng tự lực trong những lĩnh vực công nghiệp chiến lược từ trước khi căng thẳng thương mại với Mỹ bùng phát như hiện nay.
Nỗ lực đó càng được đẩy mạnh kể từ khi ông Donald Trump khởi động cuộc chiến thương mại với Trung Quốc trong nhiệm kỳ tổng thống Mỹ đầu tiên, đồng thời ban hành các biện pháp kiểm soát xuất khẩu về công nghệ tiên tiến, đặc biệt là chất bán dẫn.
Trong một chuyến thăm tới thành phố Lạc Dương, ông Tập kêu gọi các quan chức hỗ trợ việc tích hợp nghiên cứu học thuật với các ngành công nghiệp để tăng cường sự đổi mới, sáng tạo của Trung Quốc.
Kể từ cuối năm ngoái, Bắc Kinh đã phát đi tín hiệu việc chuyển đổi ưu tiên từ sản xuất sang thúc đẩy tiêu dùng nội địa. Các nhà hoạch định chính sách cũng công bố các biện pháp để nới lỏng chính sách tiền tệ, tăng cường thâm hụt ngân sách chính phủ và giải phóng vốn để thúc đẩy thị trường chứng khoán.
Nhưng các nhà kinh tế chỉ ra rằng Bắc Kinh vẫn chưa công bố kế hoạch cải cách toàn diện với quy mô lớn để thúc đẩy cơ cấu nền kinh tế chuyển hướng sang tiêu dùng. Trung Quốc chiếm khoảng 18% GDP toàn cầu nhưng chỉ chiếm 13% tiêu dùng toàn thế giới, tờ Financial Times cho biết.
Theo Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế, đất nước tỷ dân này đóng góp khoảng 29% giá trị gia tăng trong lĩnh vực sản xuất toàn cầu trong năm 2023, nhiều hơn 4 nhà sản xuất lớn tiếp theo cộng lại - bao gồm Mỹ, Nhật Bản, Đức và Ấn Độ.
Với một số người, nuôi vài miệng ăn trong gia đình đã là một gánh nặng. Cho nên, đối với Trung Quốc, đảm bảo 1,4 tỷ dân no đủ sẽ là bài toán phức tạp hơn rất nhiều.
Các quan chức y tế ở Singapore và Thái Lan khuyến cáo người dân nên tiêm mũi vắc xin tăng cường sớm nhất có thể.
Trung Quốc đang tranh thủ các điều kiện thuận lợi để nới lỏng chính sách tiền tệ, hỗ trợ cho nền kinh tế.
CEO Jamie Dimon của gã khổng lồ ngân hàng JPMorgan cảnh báo rủi ro Mỹ rơi vào tình trạng lạm phát đình trệ cao hơn những gì mọi người nghĩ.