Xuất khẩu thủy sản tăng tốc vì xáo trộn thuế quan

Xuất khẩu thủy sản Việt Nam tiếp tục đà tăng trưởng mạnh mẽ trong 4 tháng đầu năm 2025, nhưng chính sách thuế quan của Mỹ và sự cạnh tranh từ Trung Quốc đang tạo ra nhiều thách thức lớn, theo nhận định của VASEP.

Theo số liệu của Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu Thủy sản Việt Nam (VASEP), xuất khẩu thủy sản Việt Nam trong 4 tháng đầu năm nay đạt 3,3 tỷ USD, tăng 21% so với cùng kỳ năm trước. Riêng tháng 4, kim ngạch đạt 850,5 triệu USD, tăng 10%.

 Nguồn: Hải quan Việt Nam, VASEP (H.Mĩ tổng hợp)

Dù tổng thể tích cực, nhưng  VASEP cho rằng mức tăng trưởng giữa các nhóm sản phẩm và thị trường không đồng đều trong bối cảnh mức thuế đối ứng của Mỹ đang tạo ra nhiều thách thức.

Tôm tiếp tục là mặt hàng xuất khẩu chủ lực với kim ngạch 1,27 tỷ USD trong 4 tháng đầu năm, tăng 30% so với cùng kỳ năm ngoái nhờ nhu cầu cao tại Trung Quốc, EU và Nhật Bản, cùng với việc giá tôm hồi phục khi cung cầu toàn cầu tái cân bằng. Riêng tháng 4, xuất khẩu tôm đạt 330,8 triệu USD, tăng 15%.

 Nguồn: Hải quan Việt Nam, VASEP (H.Mĩ tổng hợp)

Tuy vẫn giữ vị thế quan trọng song xuất khẩu cá tra có dấu hiệu chậm lại khi chỉ đạt 167,7 triệu USD trong tháng 4, gần như không đổi so với tháng 4/2024. Kim ngạch xuất khẩu 4 tháng đầu năm đạt 632,7 triệu USD, tăng 9% so với cùng kỳ năm ngoái.

 Nguồn: Hải quan Việt Nam, VASEP (H.Mĩ tổng hợp)

Xuất khẩu cá ngừ gặp khó khăn do thiếu nguyên liệu, đặc biệt do quy định về kích thước tối thiểu của cá ngừ vằn. Tháng 4, kim ngạch xuất khẩu cá ngừ giảm 12% còn 76,1 triệu USD. Tuy nhiên, lũy kế 4 tháng vẫn tăng nhẹ 1% lên 304,2 triệu USD.

Đáng chú ý, xuất khẩu cá rô phi, cá điêu hồng có mức tăng trưởng đột phá, tăng 138% lên 19 triệu USD. Xuất khẩu khuyễn thể, cua và ghẹ cũng tăng mạnh, lần lượt đạt 216,4 triệu USD (tăng 18%), 83,1 triệu USD (tăng 82%) và 112,1 triệu USD (tăng 50%) nhờ nhu cầu cao từ Trung Quốc và các quốc gia ASEAN.

Trung Quốc và Hong Kong tiếp tục là thị trường dẫn đầu với kim ngạch đạt 709,8 triệu USD, tăng 56% so với cùng kỳ. Riêng tháng 4 đạt 182,3 triệu USD, tăng 29%, nhờ tiêu thụ mạnh sản phẩm tôm, cua và nhuyễn thể ở phân khúc cao cấp.

Thị trường Nhật Bản duy trì đà tăng trưởng ổn định nhờ nhu cầu sản phẩm giá trị gia tăng. Xuất khẩu thủy sản 4 tháng đầu năm sang thị trường này đạt 536,6 triệu USD, tăng 22%.

Xuất khẩu thủy sản sang EU và Hàn Quốc cũng thuận lợi nhờ các chính sách ưu đãi từ EVFTA với mức tăng trưởng lần lượt đạt 17% và 15%.

Trong khi đó, xuất khẩu thủy sản sang Mỹ bắt đầu xuất hiện dấu hiệu khó khăn. Mặc dù xuất khẩu thủy sản 4 tháng đầu năm sang thị trường này vẫn tăng 7%, đạt 498,4 triệu USD, nhưng tính riêng tháng 4, xuất khẩu giảm 15%, chỉ đạt 120,5 triệu USD. Nguyên nhân chủ yếu là do tác động từ các mức thuế đối ứng của Mỹ, khiến hoạt động xuất khẩu xáo trộn.

Mức thuế đối ứng của Mỹ, lên đến 46%, đang gây áp lực lớn lên xuất khẩu thủy sản của Việt Nam, nhất là cá tra và tôm.

Giá thành sản phẩm tăng khiến nhiều nhà nhập khẩu Mỹ cân nhắc chuyển hướng sang các nguồn cung khác như Ấn Độ hay Ecuador. Bên cạnh đó, các yêu cầu kỹ thuật khắt khe như truy xuất nguồn gốc và kiểm tra an toàn thực phẩm tiếp tục làm giảm sức cạnh tranh của hàng Việt.

Trước tình hình này, theo VASEP, nhiều doanh nghiệp thủy sản đang tập trung khai thác ưu đãi từ hiệp định CPTPP, FTA, điều chỉnh chiến lược, tập trung vào sản phẩm giá trị gia tăng, đa dạng hóa thị trường nhằm giảm phụ thuộc vào thị trường Mỹ.

VASEP dự báo trong 2 tháng tới, xuất khẩu thủy sản của Việt Nam sẽ có sự chuyển dịch mạnh mẽ trước khi mức thuế đối ứng của Mỹ có hiệu lực từ ngày 9/7/2025.

Trong khoảng thời gian này, doanh nghiệp thủy sản Việt Nam sẽ tập trung đẩy mạnh xuất khẩu sang Mỹ, đặc biệt với các sản phẩm chủ lực như tôm và cá tra, nhằm tận dụng tối đa giai đoạn trước khi mức thuế mới làm tăng chi phí. Dự kiến kim ngạch xuất khẩu sang thị trường này có thể tăng 10-15% so với tháng 4, nhờ các hợp đồng đã được ký và chiến lược giảm giá để giữ thị phần.

Ngược lại, xuất khẩu thủy sản sang Trung Quốc và các quốc gia Đông Nam Á có thể chững lại, chỉ tăng 3–5%, do sản phẩm Trung Quốc chuyển hướng vào thị trường nội địa cũng như thị trường ASEAN.

 

HT
CÙNG CHUYÊN MỤC
Giá sầu riêng hôm nay 5/5: Chịu áp lực khi xuất khẩu gặp khó

Giá sầu riêng tại nhiều tỉnh miền Tây Nam Bộ liên tục ghi nhận giảm sâu vì xuất khẩu gặp khó, với nhiều nơi báo giá sầu RI6 còn 25.000 - 30.000 đồng/kg.

Giá xăng tiếp tục giảm trong chiều ngày ngày 5/5

Giá xăng dầu các loại đồng loạt giảm trong kỳ điều hành chiều ngày 5/5 do ảnh hưởng bởi đà đi xuống của giá thế giới.

Bảng giá vàng ngày 5/5: Vàng SJC lùi về 120 triệu, nhẫn trơn và nữ trang 24K ‘bốc hơi’ 2 triệu sau kỳ nghỉ lễ

Sau kỳ nghỉ lễ dài ngày, thị trường vàng trong nước chứng kiến đợt giảm giá mạnh ngay trong phiên giao dịch trưa ngày 5/5. Đặc biệt, giá vàng SJC đã hạ tới 1,5 triệu đồng/lượng, rơi xuống dưới mốc 121 triệu đồng/lượng, trong khi vàng nhẫn trơn và nữ trang 24K đồng loạt mất tới 2 triệu đồng/lượng.

Nhiều tổ chức đồng loạt hạ dự báo giá dầu

Trong bối cảnh GDP Mỹ sụt giảm và chính sách thuế gây áp lực lên tăng trưởng, Barclay và StanChart đã cắt giảm mạnh dự báo giá dầu, đánh dấu bước ngoặt trong triển vọng thị trường năng lượng.

QUẢNG CÁO
QUẢNG CÁO