Tổng công ty Cảng hàng không Việt Nam (Vietnam Airport - Mã: ACV) mới công bố quyết định của Hội đồng quản trị về việc chốt danh sách cổ đông phát hành cổ phiếu để trả cổ tức từ nguồn lợi nhuận sau thuế chưa phân phối lũy kế tại ngày 31/12/2023.
Ngày đăng ký cuối cùng vào 8/8, tức ngày giao dịch không hưởng quyền là 7/8.
Tỷ lệ phát hành dự kiến là 64,58%, tức cổ đông sở hữu 100 cổ phiếu sẽ nhận 64,58 cổ phiếu mới (phần lẻ bị huỷ bỏ). Số lượng phát hành là khoảng 1,4 tỷ cổ phiếu, qua đó tăng vốn điều lệ từ 21.771 tỷ lên 35.830 tỷ đồng, trở thành số ít doanh nghiệp có vốn điều lệ thuộc nhóm tỷ USD.
Đây là mức cổ tức cao nhất từ khi ACV cổ phần hoá và giao dịch trên thị trường chứng khoán vào năm 2016. Trong 3 năm đầu, doanh nghiệp chia cổ tức đều đặn bằng tiền với tỷ lệ 6-9%, sau đó dừng chi trả cho cổ đông từ 2019 đến nay. Đây cũng là lần đầu tiên công ty thực hiện tăng vốn kể từ khi cổ phần hóa đến nay.
Toàn bộ cổ phiếu phát hành để trả cổ tức cho cổ đông hiện hữu không bị hạn chế chuyển nhượng. Quyền nhận cổ tức bằng cổ phiếu không được chuyển nhượng.
ACV hiện quản lý và vận hành 22 sân bay trên cả nước, bao gồm 9 cảng hàng không quốc tế. Đây cũng là chủ đầu tư dự án sân bay quốc tế Long Thành với tổng mức đầu tư dự kiến khoảng 336.630 tỷ đồng.
Năm 2025, tổng công ty đề ra mục tiêu vận chuyển 119 triệu hành khách, tăng 8% so với thực hiện 2024. Tổng hàng hóa bưu kiện ở mức gần 1,58 triệu tấn, tăng 2% so với cùng kỳ.
Kế hoạch tổng doanh thu là 22.239 tỷ đồng, tăng 2% so với thực hiện 2024. Trong đó, doanh thu hoạt động sản xuất kinh doanh chính chiếm 21.563 tỷ đồng, tăng trưởng 8,6%.
Lợi nhuận trước thuế ở mức 10.531 tỷ đồng, giảm 17% so với thực hiện 2024. Trong đó, lợi nhuận từ hoạt động sản xuất kinh doanh chính là 11.747 tỷ đồng, tăng 8,1% so với năm 2024.
Tổng công ty đang có gần 2,18 tỷ cổ phiếu đang lưu hành với giá trị vốn hóa khoảng 215.000 tỷ đồng, thường xuyên nằm trong top 10 vốn hóa trên thị trường chứng khoán Việt Nam.
Theo một biên bản kiểm phiếu lấy ý kiến cổ đông, tính đến ngày 7/5, ACV ghi nhận lượng cổ đông cao kỷ lục 10.653 đơn vị (không tính đến 222.800 cổ phiếu quỹ).
Trong đó, Bộ Tài chính là cổ đông lớn nhất nắm giữ gần 2,08 tỷ cổ phiếu ACV, chiếm tỷ lệ đến 95,4%. Công đoàn Vietnam Airport cũng sở hữu hơn 3 triệu cổ phiếu.
Chưa chốt cổ tức 2024
Về phân phối lợi nhuận 2024, HĐQT đề xuất trích quỹ đầu tư phát triển gần 3.076 tỷ đồng và trích quỹ khen thưởng phúc lợi, quỹ thưởng người quản lý số tiền 943 tỷ đồng. Lợi nhuận sau thuế chưa phân phối của năm 2024 còn 6.234 tỷ đồng.
ACV cho biết đang chờ ý kiến của Cơ quan Nhà nước có thẩm quyền về phương án phân phối lợi nhuận năm 2024 còn lại, do đó, ACV sẽ thực hiện xin ý kiến cổ đông bằng văn bản hoặc tổ chức Đại hội đồng cổ đông bất thường để thông qua nội dung này.
Thị trường gọi xe taxi tại Việt Nam cạnh tranh khốc liệt, dù đã thực hiện nhiều chiến lược cắt giảm và tối ưu hoạt động kinh doanh, thị phần của Vinasun trong quý II vẫn rơi về còn 2,32%, lợi nhuận xuống đáy 14 quý.
Giai đoạn 2020 - 2024, các đơn vị thành viên hoặc công ty có liên quan đến nhóm Bamboo Capital đã huy động lượng lớn trái phiếu để mở rộng quỹ đất, phát triển dự án.
Kết quả kinh doanh trong quý II/2025 của Nam Long tăng trưởng gấp 3 lần về doanh thu thuần nhưng giảm lãi ròng do cùng kỳ doanh nghiệp ghi nhận thương vụ bán vốn tại Paragon Đại Phước.
Trong số các doanh nghiệp đã công bố báo cáo tài chính trên sàn thì có 57 đơn vị có lãi trên trăm tỷ đồng, theo thống kê từ Wichart tính đến 15h30 ngày 28/7.