Mới đây, hai quan chức cấp cao của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed), bao gồm Chủ tịch chi nhánh New York John Williams, cho rằng các nhà hoạch định chính sách có thể chưa sẵn sàng hạ lãi suất trước tháng 9 bởi họ đang phải đối mặt với triển vọng kinh tế mờ mịt.
“Chúng tôi chưa thể hiểu hết chuyện gì đang xảy ra trong tháng 6 hay tháng 7”, ông Williams phát biểu tại một hội nghị tài chính vào đầu tuần. “Chúng tôi cần quá trình thu thập dữ liệu để có một bức tranh toàn cảnh hơn và theo dõi tình hình...”
Ông Williams nhấn mạnh rằng sự không chắc chắn đang cản trở không chỉ các nhà hoạch định chính sách mà còn cả các doanh nghiệp và hộ gia đình Mỹ, bởi họ cũng đang chật vật dự đoán thuế quan và các chính sách khác của ông Trump sẽ tái định hình nền kinh tế theo hướng nào.
Ba cuộc họp tiếp theo của Fed sẽ diễn ra vào tháng 6, tháng 7 và tháng 9. Hiện tại, các nhà đầu tư nhận thấy khả năng Fed giảm lãi suất tại cuộc họp tháng 6 là chưa đến 10%. Và thị trường kỳ vọng Fed sẽ hạ lãi suất hai lần trong năm nay, mỗi lần 25 điểm cơ bản, thay vì 4 lần như tại thời điểm cuối tháng 4.
Chủ tịch Fed chi nhánh New York John Williams. (Ảnh: Bloomberg).
Chủ tịch Fed chi nhánh Atlanta Raphael Bostic cũng có phát biểu tương tự trong một cuộc phỏng vấn với Bloomberg vào ngày 19/5. Điều này báo hiệu một số quan chức Fed không muốn điều chỉnh lãi suất trong một thời gian.
Nếu các cuộc đàm phán thương mại của chính quyền Tổng thống Donald Trump kéo dài sang mùa hè, các nhà hoạch định chính sách sẽ “không biết những tác động thực sự trong nhiều tháng sau đó”, ông Bostic nói.
Trước đó, vào đầu ngày, Chủ tịch Fed chi nhánh Atlanta từng lưu ý rằng các quan chức sẽ cần phải đợi “3 đến 6 tháng” để xem tình hình. Ông cho biết vẫn có khả năng các cuộc đàm phán tiến triển nhanh hơn, thuế quan giảm sớm hơn.
“Trong trường hợp đó, chúng tôi có thể đẩy nhanh một số động thái, vì có thể chúng tôi không cần phải kiểm soát giá cả quá mức”, vị quan chức chia sẻ.
Các quan chức Fed đã giữ nguyên lãi suất tại cuộc họp tháng 5, nhấn mạnh vào sự không chắc chắn do thuế quan gây ra. Các nhà hoạch định chính sách cũng nhìn thấy rủi ro tỷ lệ thất nghiệp và lạm phát tăng cao hơn.
Gần đây, chính quyền ông Trump đã đạt một thoả thuận tạm thời với Trung Quốc để giảm bớt thuế quan lên hàng hoá hai bên. Các cuộc đàm phán với những đối tác thương mại quan trọng vẫn đang diễn ra trong thời gian Mỹ tạm hoãn thuế quan đối ứng 90 ngày.
Ông Williams, giống như nhiều đồng nghiệp của mình, cho biết Fed có thể dành thời gian để đánh giá dữ liệu mới. Mặc dù thừa nhận lạm phát đã giảm và nền kinh tế gần đạt trạng thái toàn dụng việc làm, ông đang theo dõi tình trạng chậm thanh toán nợ và nhu cầu chi tiêu của người tiêu dùng.
Chủ tịch Fed chi nhánh New York cũng mô tả chính sách hiện tại của ngân hàng trung ương là “có phần hạn chế” và đang ở vị thế tốt.
Trong khi đó, ông Bostic bày tỏ mối quan ngại đặc biệt về lạm phát và kỳ vọng của công chúng. “Xét theo quỹ đạo của nhiệm vụ kép, tôi rất lo lắng về khía cạnh lạm phát, chủ yếu là vì kỳ vọng của người tiêu dùng đang thay đổi theo hướng rắc rối”, ông giải thích.
Phó Chủ tịch Fed Philip Jefferson cũng nhấn mạnh chiến lược chờ đợi và quan sát tại một hội nghị tài chính của Fed chi nhánh Atlanta. Ông nói Fed cần phải đảm bảo đà tăng tiềm ẩn của lạm phát không biến thành đà tăng kéo dài.
“Với mức độ bất ổn mà chúng tôi đang phải đối mặt hiện nay, tôi tin rằng chúng tôi nên chờ đợi xem các chính sách sẽ phát triển như thế nào theo thời gian và cả tác động của chúng”, ông Jefferson bày tỏ.
Chủ tịch Fed chi nhánh Minneapolis Neel Kashkari - cũng phát biểu vào đầu tuần - lưu ý rằng nền kinh tế Mỹ vẫn đứng vững vào đầu năm nay và ngân hàng trung ương đã đạt nhiều tiến triển trong việc hạ lạm phát.
Song, ông cho biết thuế quan đã cản trở các nhà hoạch định chính sách, khiến họ phải tạm dừng. “Chúng tôi đang cố gắng điều hướng giữa rất nhiều bất ổn. Thực sự chúng tôi cần phải chờ đợi và quan sát cho đến khi có thêm thông tin”.
Các quan chức y tế ở Singapore và Thái Lan khuyến cáo người dân nên tiêm mũi vắc xin tăng cường sớm nhất có thể.
Trung Quốc đang tranh thủ các điều kiện thuận lợi để nới lỏng chính sách tiền tệ, hỗ trợ cho nền kinh tế.
CEO Jamie Dimon của gã khổng lồ ngân hàng JPMorgan cảnh báo rủi ro Mỹ rơi vào tình trạng lạm phát đình trệ cao hơn những gì mọi người nghĩ.
Các chỉ số chính của chứng khoán Mỹ đã nhích tăng nhẹ trong phiên đầu tuần khi thị trường bỏ qua mối lo từ việc nền kinh tế số một thế giới bị Moody's hạ bậc xếp hạng tín nhiệm.