Tòa nhà PBoC tại Bắc Kinh. (Ảnh: Reuters).
Vào ngày 20/5, Trung Quốc đã cắt giảm một số loại lãi suất chính sách khoảng 10 điểm cơ bản (bps). Đà tăng của đồng nhân dân tệ và thỏa thuận thương mại tạm thời với Mỹ tạo điều kiện cho nước này nới lỏng chính sách tiền tệ nhằm thúc đẩy nền kinh tế.
Cụ thể, Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc (PBoC) đã hạ lãi suất cho vay tiêu chuẩn (LPR) kỳ hạn một năm xuống 3% và LPR kỳ hạn 5 năm xuống 3,5%. Đây là lần đầu tiên PBoC cắt giảm lãi suất LPR kể từ tháng 10/2024, tờ CNBC cho hay.
LPR kỳ hạn một năm tác động đến nợ vay doanh nghiệp và hầu hết các khoản vay cho hộ gia đình ở Trung Quốc. LPR kỳ hạn 5 năm được coi là chuẩn mực cho lãi suất vay thế chấp mua nhà.
Cũng trong ngày 20/5, một loạt ngân hàng thương mại nhà nước Trung Quốc đã giảm lãi suất tiền gửi tới 25 bps. Động thái này sẽ giúp họ bảo vệ biên lãi ròng (NIM), mở đường cho việc cắt giảm lãi suất cho vay.
Ông Zichun Huang, nhà kinh tế trưởng của Capital Economics, dự kiến PBoC nhiều khả năng sẽ tiếp tục nới lỏng chính sách tiền tệ. Ông dự đoán lãi suất LPR sẽ giảm thêm 40 bps từ nay cho đến cuối năm.
Hồi đầu tháng này, giới chức Trung Quốc từng công bố một loạt biện pháp kích thích, bao gồm cắt giảm lãi suất repo đảo ngược và tỷ lệ dự trữ bắt buộc. Ngoài ra, Trung Quốc cũng giảm lãi suất vay thế chấp của quỹ dự phòng nhà ở quốc gia 25 bps.
Trong thời gian qua, đồng nhân dân tệ hải ngoại (ký hiệu là CNH) đã vượt qua một số áp lực giảm giá và duy trì ở mức tương đối ổn định, phần lớn nhờ vào sự suy yếu của đồng USD.
CNH đã mạnh lên 2,8% so với đồng bạc xanh kể từ khi rơi xuống mức thấp kỷ lục là 7,4287 CNH đổi 1 USD vào tháng trước, theo dữ liệu LSEG.
Ông Allan von Mehren, chuyên gia kinh tế cấp cao của ngân hàng Denske Bank, đã điều chỉnh mục tiêu 12 tháng cho CNH từ 7,35 xuống 7,15 CNH đổi 1 USD. Lý do ông đưa ra là căng thẳng thương mại Mỹ - Trung đã hạ nhiệt và Bắc Kinh “thể hiện mong muốn rõ ràng về ổn định tỷ giá”.
Nhà kinh tế Huang cảnh báo các đợt cắt giảm lãi suất khiêm tốn có lẽ không đủ để thúc đẩy nhu cầu vay vốn và vực dậy nền kinh tế “một cách đáng kể”. Ông lưu ý: “Nhiệm vụ hỗ trợ nhu cầu chủ yếu phải do chính sách tài khóa gánh vác”.
Tuy nhiên, thỏa thuận thương mại tạm thời với Mỹ có lẽ sẽ khiến các nhà hoạch định chính sách Trung Quốc ngần ngại tung ra thêm các biện pháp kích thích tài khóa.
Sau khi Mỹ - Trung thông báo quyết định giảm mạnh thuế quan lên hàng hóa của nhau trong 90 ngày, một loạt ngân hàng đầu tư quốc tế đã nâng dự báo tăng trưởng GDP của Trung Quốc trong năm nay, đồng thời giảm bớt kỳ vọng về các biện pháp kích thích bổ sung của Bắc Kinh.
Nomura nâng dự báo tốc độ tăng trưởng GDP quý II/2025 từ 3,7% lên 4,8%, đồng thời điều chỉnh ước tính về tốc độ tăng trưởng cả năm từ 3,5% thành 3,7%. Dự báo này vẫn thấp hơn đáng kể mục tiêu tăng trưởng tham vọng của Trung Quốc cho cả năm 2025 là “khoảng 5%”.
Mặt khác, nền kinh tế lớn thứ hai thế giới vẫn đang vật lộn với áp lực giảm phát dai dẳng. Trong tháng 4, giá bán buôn của Trung Quốc ghi nhận mức giảm tồi tệ nhất trong 6 tháng, trong khi đó giá tiêu dùng tiếp tục giảm tháng thứ ba liên tiếp.
Tuy nhiên, đa số các nhà kinh tế - bao gồm nhóm chuyên gia của Morgan Stanley - dự đoán Trung Quốc sẽ triển khai các biện pháp kích thích bổ sung với quy mô nhỏ hơn và tiến độ chậm hơn so với kịch bản trước khi hai siêu cường đình chiến thương mại.
Morgan Stanley chỉ ra rằng thuế quan Mỹ áp dụng với hàng hóa Trung Quốc hiện nay vẫn cao hơn hẳn giai đoạn trước nhiệm kỳ hai của Tổng thống Donald Trump.
Ngân hàng này cảnh báo tình trạng giảm phát tại Trung Quốc có thể kéo dài, bởi thuế quan cao sẽ làm giảm nhu cầu của người mua Mỹ, làm trầm trọng thêm vấn đề dư thừa công suất trong thị trường nội địa.
CEO Jamie Dimon của gã khổng lồ ngân hàng JPMorgan cảnh báo rủi ro Mỹ rơi vào tình trạng lạm phát đình trệ cao hơn những gì mọi người nghĩ.
Triển vọng kinh tế khó đoán khiến các quan chức Fed phải áp dụng chiến lược chờ đợi và quan sát.
Các chỉ số chính của chứng khoán Mỹ đã nhích tăng nhẹ trong phiên đầu tuần khi thị trường bỏ qua mối lo từ việc nền kinh tế số một thế giới bị Moody's hạ bậc xếp hạng tín nhiệm.
Ngày 19/5, tập đoàn tài chính đa quốc gia của Mỹ J.P.Morgan Chase & Co. đã nâng đánh giá đối với cổ phiếu các thị trường mới nổi từ mức “trung lập” lên “tăng tỷ trọng”.