Kinh tế Quốc tế 20/05/2025 07:28

CEO ngân hàng lớn nhất nước Mỹ: Thuế quan vẫn chưa tác động, nhà đầu tư đừng buông lỏng cảnh giác

CEO Jamie Dimon của gã khổng lồ ngân hàng JPMorgan cảnh báo rủi ro Mỹ rơi vào tình trạng lạm phát đình trệ cao hơn những gì mọi người nghĩ.

Ông Jamie Dimon, CEO ngân hàng JPMorgan. (Ảnh: Bloomberg). 

Ông Jamie Dimon, CEO ngân hàng JPMorgan, cảnh báo nhà đầu tư không nên lơ là cảnh giác trước một loạt rủi ro mà nền kinh tế đang đối mặt, từ lạm phát cho đến địa chính trị.

Nhà lãnh đạo của ngân hàng lớn nhất nước Mỹ tính theo tổng tài sản cho biết khả năng áp lực giá gia tăng và lạm phát đình trệ đeo bám nước Mỹ cao hơn những gì mọi người nghĩ.

Ông lưu ý giá các tài sản tài chính của Mỹ vẫn đang ở mức cao và mức chênh lệch lợi suất giữa các loại trái phiếu hiện nay chưa phản ánh nguy cơ nền kinh tế lao dốc.

Phát biểu tại sự kiện của JPMorgan vào ngày 19/5, ông Dimon nói: “Ngày nay, tín dụng là một rủi ro xấu. Những người chưa từng trải qua giai đoạn nền kinh tế xuống dốc nặng nề không lường được những gì có thể xảy ra trong lĩnh vực tín dụng”. 

Chính sách thuế quan thay đổi chóng mặt của Tổng thống Donald Trump từng khiến thị trường chao đảo trong bối cảnh nhà đầu tư lo sợ về nguy cơ suy thoái và tính an toàn của các tài sản Mỹ. Tuy nhiên, thị trường đã phục hồi khi các cuộc đàm phán thuế quan đạt được tiến triển.

Chỉ số S&P 500 vẫn tăng điểm trong phiên đầu tuần dù Mỹ bị Moody’s hạ một bậc từ mức xếp hạng tín nhiệm cao nhất hôm 16/5. Nhà đầu tư có vẻ không chú ý nhiều đến sự kiện này.

Ông Dimon cảnh báo: “Nhà đầu tư vẫn cảm thấy khá tốt vì họ chưa thấy tác động của thuế quan. Thị trường giảm 10% rồi lại tăng 10%, tôi nghĩ điều đó phản ánh sự tự mãn khủng khiếp”.

Tờ Bloomberg cho biết Mỹ đang tiến hành đàm phán với một số nền kinh tế, bao gồm Nhật Bản, Hàn Quốc và Liên minh châu Âu (EU). Gần đây, ông Trump đã đạt được thỏa thuận với Anh và đồng ý tạm thời đình chiến thương mại với Trung Quốc để có thời gian thảo luận kỹ hơn.

Tuy nhiên, ông Dimon nhận xét các mức thuế quan mà Mỹ áp đặt vẫn rất cao và không rõ các đối tác thương mại sẽ phản ứng như thế nào. Ông cũng chỉ ra rằng việc thúc đẩy hoạt động sản xuất ở Mỹ sẽ cần thời gian và giới phân tích nhiều khả năng sẽ hạ thấp dự báo về lợi nhuận doanh nghiệp.

Ông nhấn mạnh: “Tôi không nghĩ chúng ta có thể dự đoán kết cục của cuộc chiến thương mại. Cá nhân tôi thấy rủi ro lạm phát đi lên và tình huống lạm phát đình trệ xảy ra cao hơn một chút so với những gì mọi người nghĩ”.

Đồng thời, ông lặp lại rằng rủi ro địa chính trị vẫn rất cao. Ông dự đoán thị trường sẽ tiếp tục biến động mạnh trong thời gian tới. Ông giải thích: “Có quá nhiều chuyện đang xảy ra trên thế giới”.

Giang
CÙNG CHUYÊN MỤC
Kinh tế Quốc tế 20/05/2025 14:37
COVID-19 tái bùng phát ở châu Á, Thái Lan có hơn 33.000 ca trong một tuần

Các quan chức y tế ở Singapore và Thái Lan khuyến cáo người dân nên tiêm mũi vắc xin tăng cường sớm nhất có thể.

Kinh tế Quốc tế 20/05/2025 09:59
Trung Quốc giảm lãi suất chính sách quan trọng, nỗ lực thúc đẩy tăng trưởng kinh tế

Trung Quốc đang tranh thủ các điều kiện thuận lợi để nới lỏng chính sách tiền tệ, hỗ trợ cho nền kinh tế.

Kinh tế Quốc tế 20/05/2025 07:24
Các quan chức Fed báo hiệu sẽ giữ nguyên lãi suất cho đến tháng 9

Triển vọng kinh tế khó đoán khiến các quan chức Fed phải áp dụng chiến lược chờ đợi và quan sát.

Kinh tế Quốc tế 20/05/2025 06:45
S&P 500 tăng phiên thứ 6 liên tiếp dù Mỹ bị hạ xếp hạng tín nhiệm

Các chỉ số chính của chứng khoán Mỹ đã nhích tăng nhẹ trong phiên đầu tuần khi thị trường bỏ qua mối lo từ việc nền kinh tế số một thế giới bị Moody's hạ bậc xếp hạng tín nhiệm.

QUẢNG CÁO
QUẢNG CÁO