Kinh tế Quốc tế 09/07/2025 06:53

Chứng khoán Mỹ tiếp đà giảm khi ông Trump liên tục đưa ra tín hiệu trái chiều về thuế quan

Các chỉ số chính của chứng khoán Mỹ đã giảm phiên thứ hai liên tiếp sau khi Tổng thống Trump tuyên bố ngày 1/8 là hạn chót để Mỹ bắt đầu áp thuế quan đối ứng với các quốc gia chưa đạt thoả thuận.

Theo CNBC, trong phiên giao dịch ngày 8/7, chỉ số S&P 500 giảm nhẹ 0,07% xuống 6.226 điểm. Chỉ số thiên về công nghệ Nasdaq Composite nhích nhẹ 0,03% lên 20.418 điểm. Chỉ số trung bình công nghiệp Dow Jones giảm 166 điểm, tương đương 0,37% và chốt phiên với 44.241 điểm. 

Các chỉ số chính của chứng khoán Mỹ đã giảm trong phiên thứ hai liên tiếp.

Các nhà giao dịch đã gặp khó khăn khi liên tục theo sát những tín hiệu trái chiều từ Tổng thống Donald Trump về vấn đề thương mại.

Hôm 7/7, ông Trump tuyên bố sẽ lùi thời hạn áp thuế đối ứng từ ngày 9/7 sang 1/8. Tuy nhiên, cùng ngày ông nói rằng hạn chót 1/8 “không chắc chắn 100%”. 

Đến ngày 8/7, vị tổng thống viết trên mạng xã hội Truth Social rằng sẽ không có thay đổi nào với hạn chót 1/8. Cùng ngày hôm đó, ông công bố mức thuế mới lên tới 50% đối với đồng nhập khẩu. 

Trước đó, trong phiên 7/7, thị trường đã bị bán tháo, Dow Jones giảm hơn 400 điểm khi Tổng thống Trump công bố kế hoạch áp thuế 25% lên hàng hóa từ Hàn Quốc và Nhật Bản.

Tổng cộng, ông đã công bố mức thuế mới lên ít nhất 14 quốc gia. Nhà đầu tư đang chờ đợi thêm sự chắc chắn. Một số kỳ vọng rằng mức thuế cuối cùng sẽ không cao như những gì ông Trump tuyên bố. 

Mặc dù cả ba chỉ số chính đều quay đầu giảm trong hai phiên gần đây, cổ phiếu Nvidia vẫn tăng 1%, tiến gần mốc vốn hóa 4.000 tỷ USD.

Ở chiều ngược lại, nhóm cổ phiếu ngân hàng lại gây áp lực lên thị trường sau khi HSBC đưa ra quan điểm “thận trọng hơn” đối với các ngân hàng lớn. Cổ phiếu JPMorgan và Bank of America đều giảm 3%, trong khi Goldman Sachs mất gần 2%. 

 

“Từ tháng 4 đến nay, thị trường đã dần vượt qua nỗi lo rằng thuế quan sẽ gây tác động tiêu cực đến tăng trưởng, lợi nhuận doanh nghiệp hay lạm phát”, ông Bill Merz, trưởng bộ phận nghiên cứu thị trường vốn tại U.S. Bank Wealth Management, nhận định.

“Tâm lý nhà đầu tư đã thay đổi nhanh chóng trong thời gian ngắn và trở nên lạc quan hơn, thể hiện rõ ràng qua định giá cổ phiếu và việc các chỉ số đang dao động quanh vùng đỉnh lịch sử”, ông nói thêm.

“Trong bối cảnh hiện tại, miễn là thị trường tin rằng các nhà hoạch định chính sách có khả năng và sẵn sàng điều chỉnh để ứng phó với biến động, thì mức độ bán tháo trên thị trường sẽ được giới hạn”, chiến lược gia Henry Allen của Deutsche Bank nhận định.

“Điều đó có nghĩa là, để một cuộc khủng hoảng mùa hè trở nên dai dẳng hơn và khiến sức chống chịu của thị trường sụp đổ, cần phải có một yếu tố ảnh hưởng đến các nền tảng kinh tế vĩ mô mà chính sách không thể dễ dàng xử lý được", ông cho biết thêm.

Deutsche Bank cho biết, một số yếu tố có thể kích hoạt bất ổn trong mùa hè này bao gồm: Mỹ áp mức thuế cao hơn vào ngày 1/8, thị trường loại bỏ khả năng cắt giảm lãi suất do tác động làm tăng lạm phát của thuế quan, tăng trưởng kinh tế bắt đầu suy yếu và giá dầu tăng vọt do một cú sốc địa chính trị. 

Minh Quang
CÙNG CHUYÊN MỤC
Kinh tế Quốc tế 10/07/2025 07:51
Ông Trump thông báo thuế quan 50% với đồng sẽ có hiệu lực từ 1/8

Một ngày sau khi thông báo áp thuế 50% đối với đồng nhập khẩu, ông Trump đã ấn định ngày thuế quan có hiệu lực.

Kinh tế Quốc tế 10/07/2025 07:41
Tổng thống Lula da Silva: Brazil sẽ đáp trả tương xứng mức thuế 50% của Mỹ

Tổng thống Lula da Silva cho biết Brazil sẽ sử dụng luật kinh tế mới ban hành để đáp trả thuế quan của Mỹ.

Kinh tế Quốc tế 10/07/2025 07:29
Biên bản họp Fed: Đa số quan chức đều dự kiến sẽ giảm lãi suất nhưng bất đồng về quy mô

Biên bản cuộc họp chính sách tháng 6 cho thấy các quan chức Fed đang chia rẽ về quy mô cắt giảm lãi suất trong tương lai.

Kinh tế Quốc tế 10/07/2025 07:04
Nasdaq Composite lập kỷ lục mới khi vốn hóa Nvidia chạm mốc 4.000 tỷ USD

Các chỉ số chính của chứng khoán Mỹ quay đầu tăng trong phiên 9/7 khi Nvidia lập kỷ lục mới về vốn hóa.