Eo biển Hormuz: Tuyến huyết mạch dầu mỏ có thể làm chao đảo kinh tế toàn cầu

Chỉ rộng chưa đầy 34 km tại điểm hẹp nhất, eo biển Hormuz lại đóng vai trò tối quan trọng trong hệ thống năng lượng toàn cầu khi mỗi ngày vận chuyển gần 20 triệu thùng dầu và một phần lớn khí LNG.

Trong mạng lưới thương mại toàn cầu phức tạp, ít có tuyến hàng hải nào vừa quan trọng vừa dễ tổn thương như eo biển Hormuz. Theo ý kiến của ông Shahid Hussain, CEO của công ty tư vấn Green Proposition trên trang Modern Diplomacy, tác động của việc đóng cửa eo biển này ngay lập tức gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến thế giới.

Nằm giữa Iran và bán đảo Arab, tuyến hàng hải chỉ rộng 34 km này là nơi trung chuyển gần một phần năm lượng dầu tiêu thụ hàng ngày trên toàn thế giới và một phần lớn khí LNG.

Chỉ một sự gián đoạn cũng có thể khiến thị trường năng lượng rơi vào hỗn loạn, lạm phát leo thang và tăng trưởng toàn cầu chững lại. Trong năm 2024, khoảng 20 triệu thùng dầu và một phần đáng kể LNG của thế giới được vận chuyển mỗi ngày qua Hormuz.

Các quốc gia như Trung Quốc, Ấn Độ, Nhật Bản và Hàn Quốc, chiếm tới gần 70% tổng lượng dầu thô đi qua eo biển, chịu mức độ phụ thuộc đặc biệt lớn. Bất kỳ sự cản trở nào cũng sẽ làm đảo lộn an ninh năng lượng và năng suất công nghiệp của các quốc gia này.

Thị trường đã thể hiện phản ứng lo ngại ngay cả trước khi khả năng đóng cửa của eo biển xảy ra. Trong vài tháng gần đây, giá dầu đã tăng từ 4–6% và giá cước vận chuyển tàu chở dầu tăng hơn 20% khi căng thẳng địa chính trị tại vùng Vịnh gia tăng. 

Theo ông Shahid Hussain, nếu kịch bản đóng cửa hoàn toàn eo biển Hormuz trở thành hiện thực, tác động sẽ mang tính chất lan tỏa và nghiêm trọng. Giá dầu Brent – hiện dao động quanh mức 85 USD/thùng – có thể tăng vọt lên 150 USD, thậm chí chạm ngưỡng 200 USD/thùng trong kịch bản xấu nhất.

Thị trường khí đốt tự nhiên cũng sẽ chứng kiến biến động tương tự, đặc biệt tại châu Á và châu Âu – hai khu vực có mức độ phụ thuộc cao vào LNG nhập khẩu nhưng lại thiếu hụt đáng kể về khả năng dự trữ chiến lược.

Sự biến động giá năng lượng, vốn từng được kiềm chế bởi năng lực sản xuất dự phòng và kho dự trữ chiến lược, nay có thể không còn là “lá chắn” đáng tin cậy. Khác với những lần gián đoạn trước, khi công suất dự phòng của Arab Saudi hoặc các đợt xả kho dầu chiến lược giúp ổn định thị trường, việc phong tỏa hoàn toàn eo biển Hormuz có thể vượt xa khả năng ứng phó đó. 

Công suất dư toàn cầu hiện đã bị thu hẹp bởi tình trạng thiếu đầu tư và những bất ổn chính trị, và khó có thể bù đắp mức thiếu hụt lên tới 20 triệu thùng mỗi ngày. Tác động dây chuyền từ việc giá năng lượng tăng cao sẽ không chỉ dừng lại ở thị trường dầu mỏ. Chi phí năng lượng tăng sẽ kéo theo chi phí vận tải và sản xuất tăng, ảnh hưởng trực tiếp đến người tiêu dùng và doanh nghiệp. 

Quỹ Tiền tệ Quốc tế ước tính, mỗi mức tăng 1% giá dầu sẽ kéo theo mức tăng lạm phát toàn cầu từ 0,3–0,4 điểm phần trăm. Trong bối cảnh kinh tế toàn cầu vẫn đang vật lộn với áp lực lạm phát kéo dài, cú sốc này có thể đẩy nhiều nền kinh tế mong manh rơi vào tình trạng đình lạm – sự kết hợp giữa lạm phát cao và tăng trưởng chậm. 

Các ngân hàng trung ương, vốn đang tìm cách cắt giảm lãi suất để kích thích kinh tế, sẽ buộc phải quay trở lại chu kỳ thắt chặt tiền tệ. Người lao động thu nhập thấp và các doanh nghiệp nhỏ sẽ chịu tác động nặng nề nhất, với nguy cơ mất việc, chi phí sinh hoạt tăng cao.

Eo biển Hormuz cũng là tuyến trung chuyển quan trọng của nhiều mặt hàng khác như hóa chất, phân bón, ngũ cốc và hàng tiêu dùng. Việc phong tỏa eo biển sẽ làm tê liệt hoạt động logistics toàn cầu. 

Các tàu hàng buộc phải đi vòng qua Mũi Hảo Vọng có thể mất thêm tới hai tuần vận chuyển, gây căng thẳng cho hệ thống cảng biển. Việc này làm tăng chi phí vận tải và bảo hiểm, trong một số trường hợp có thể tăng gấp mười lần.

Ông  ông Shahid Hussain cho rằng những ngành công nghiệp dựa trên mô hình sản xuất và giao hàng vừa đúng lúc (just-in-time) như ô tô và điện tử sẽ đối mặt với tình trạng giao hàng trễ, chi phí sản xuất tăng và chuỗi cung ứng đứt gãy.

Ngành thực phẩm toàn cầu cũng sẽ bị ảnh hưởng. Các lô hàng phân bón và ngũ cốc bị gián đoạn sẽ làm tăng chi phí đầu vào cho nông nghiệp, trong khi giá nhiên liệu cao đẩy chi phí vận chuyển tăng vọt. Kết quả, giá lương thực, vốn dễ bị tổn thương do biến đổi khí hậu và xung đột, sẽ tiếp tục tăng, đe dọa an ninh lương thực ở nhiều quốc gia nhập khẩu.

Một số giải pháp thay thế hiện có công suất hạn chế. Tuyến ống dẫn dầu Đông - Tây của Arab Saudi có thể vận chuyển khoảng 5 triệu thùng mỗi ngày, có khả năng mở rộng lên 7 triệu. Đường ống Fujairah của UAE có công suất khoảng 1,5 triệu thùng mỗi ngày.

Tuy nhiên, tổng công suất thay thế hiện tại khoảng 8 triệu thùng vẫn chưa đủ để bù đắp lượng 20 triệu thùng/ngày đang đi qua eo biển Hormuz. Những nước xuất khẩu chủ lực như Iraq, Qatar và Kuwait gần như không có lựa chọn thay thế nào đáng kể.

Các kho dự trữ dầu chiến lược chỉ có thể giúp giảm áp lực trong ngắn hạn. Mỹ hiện có khoảng 600 triệu thùng dầu trong kho dự trữ, châu Âu khoảng 400 triệu và châu Á hơn 1 tỷ thùng. Nhưng với mức thiếu hụt 20 triệu thùng mỗi ngày, ngay cả nguồn dự trữ toàn cầu cũng có thể cạn kiệt chỉ sau khoảng hai tháng.

Trong một kịch bản phong tỏa kéo dài, ngay cả những nền kinh tế được chuẩn bị kỹ càng nhất cũng sẽ gặp khó khăn. Chuyên gia cho rằng các chính phủ, tổ chức đa phương và doanh nghiệp tư nhân cần bắt đầu xem các điểm nghẽn năng lượng như eo biển Hormuz là rủi ro mang tính hệ thống. 

Điều này đồng nghĩa với việc đầu tư nghiêm túc vào các tuyến vận tải năng lượng dự phòng, chuỗi cung ứng đa dạng và nhiên liệu thay thế. Đồng thời, cần tăng cường các cơ chế ngoại giao hiệu quả để bảo vệ an ninh hàng hải trên những tuyến vận tải trọng yếu như eo biển Hormuz.

Trong một thế giới ngày càng được kết nối bởi thương mại, chỉ một eo biển hẹp cũng có thể nắm giữ quyền lực quá lớn đối với sự ổn định kinh tế toàn cầu. Theo ông  ông Shahid Hussain, việc eo biển Hormuz bị gián đoạn, dù chỉ tạm thời, không đơn thuần là cú sốc giá, mà có thể làm thay đổi quỹ đạo tăng trưởng toàn cầu trong nhiều năm tới.

Anh Tuấn
CÙNG CHUYÊN MỤC
Giá thịt heo hôm nay 22/7: Nạc vai heo giữ giá ổn định

Sáng nay, giá thịt heo tiếp tục lặng sóng. Trong đó, nạc vai heo đang được bán với giá 126.320 đồng/kg tại WinMart và 136.000 đồng/kg tại Thực phẩm Hà Hiền.

Giá phân bón ngày 22/7 chững lại, phân urê bán ra với mức giá ổn định

Theo khảo sát, giá phân bón hôm nay (22/7) tiếp tục ổn định tại khu vực miền Trung và Tây Nam Bộ. Theo đó, giá phân urê Phú Mỹ, Ninh Bình có giá bán lần lượt là 620.000 - 650.000 đồng/bao và 610.000 - 640.000 đồng/bao.

Ấn Độ: Diện tích trồng lúa tăng 12%, nhờ thời tiết thuận lợi và Chính phủ hỗ trợ thu mua

Nhờ lượng mưa gió mùa tháng 7 vượt trung bình 6%, nông dân Ấn Độ đã gieo cấy hơn 17,67 triệu hecta lúa – tăng 12,4% so với cùng kỳ năm ngoái.

Giá cao su hôm nay 22/7: Tăng nhẹ ở Trung Quốc và Thái Lan

Giá cao su ở các khu vực chính tăng nhẹ trong tâm lý thận trọng, một phần bởi lo ngại về thuế quan của Mỹ, trong khi đó, triển vọng kích thích kinh tế của Trung Quốc là một điểm sáng.