Theo thống kê từ Tổng cục Hải quan, tháng 5 vừa qua, xuất khẩu gạo của nước ta đạt 724.609 tấn, trị giá 390,6 triệu USD, giảm 30,6% về lượng và 28,4% về trị giá so với con số cao kỷ lục đạt được vào tháng 4, nhưng vẫn tăng 2,2% về lượng và 12,8% về trị giá so với cùng kỳ năm ngoái.
Luỹ kế đến hết tháng 5, xuất khẩu mặt hàng này đạt 3,6 triệu tấn, với kim ngạch thu về 1,92 tỷ USD, tăng 30,8% về lượng và tăng tới 41,6% về trị giá so với cùng kỳ năm 2022. Đây cũng là con số cao nhất ghi nhận được của ngành gạo trong 5 tháng đầu năm từ trước đến nay.
Được biết, top 5 doanh nghiệp xuất khẩu gạo hàng đầu của Việt Nam hiện nay là Công Ty TNHH Thương Mại & Dịch Vụ Thành Tín, Công ty CP tập đoàn Intimex, Tổng công ty Lương thực miền Bắc, Tổng công ty Lương thực miền Nam – Công ty cổ phần và Công Ty Cổ Phần Quốc Tế Gia.
Nhu cầu từ thị trường quốc tế tăng cao đã đẩy giá gạo xuất khẩu của Việt Nam trong tháng 5 lên mức bình quân 539 USD/tấn, tăng 3,1% so với tháng trước và là mức cao nhất kể từ tháng 7/2021. Tính chung 5 tháng đầu năm, giá gạo xuất khẩu đạt bình quân 529 USD/tấn, tăng 8,3% so với cùng kỳ.
Đáng chú ý, tính đến giữa tháng 6, giá gạo 5% tấm của Việt Nam chào bán trên thị trường quốc tế đã tăng lên mức 498 USD/tấn, mức cao nhất trong hơn 2 năm qua và tăng 3 – 8 USD/tấn so với những tuần trước đó. Mức giá này cũng cao hơn so với giá bán 490 – 495 USD/tấn đối với sản phẩm cùng loại của Thái Lan và mức giá 453 USD/tấn của Ấn Độ.
Về thị trường tiêu thụ, 5 tháng đầu năm nay nhìn chung xuất khẩu gạo sang hầu hết thị trường chính đều tăng so với cùng kỳ năm ngoái.
Trong đó, Philippines đứng đầu về thị trường xuất khẩu gạo của nước ta trong 5 tháng qua với khối lượng đạt 1,53 triệu tấn, trị giá 772,4 triệu USD, tăng 20,7% về lượng và tăng 31,3% so với cùng kỳ năm trước. Thị trường này chiếm đến 42,3% tổng khối lượng gạo xuất khẩu của nước ta.
Đứng thứ hai là Trung Quốc đạt 632.469 tấn, tăng 62,8% về lượng và tăng 79,2% so với cùng kỳ, chiếm 17,5% thị phần xuất khẩu gạo của cả nước.
Đáng chú ý, Indonesia bất ngờ vươn lên vị trí số 3 về thị trường xuất khẩu gạo của nước ta trong 5 tháng đầu năm 2023 với khối lượng đạt 369.032 tấn, tăng 15 lần (1.498%) so với cùng kỳ năm ngoái.
Ngoài ra, xuất khẩu gạo sang một số thị trường tăng rất mạnh như Đài Loan tăng 142,3%, Senegal tăng 1.147%, Chilê tăng 4.120%, Thổ Nhĩ Kỳ tăng 15.972%...
Một số thị trường tại EU cũng tăng trưởng ở mức ba con số như Ba Lan (+117,4%), Bỉ (+164,9%), Tây Ban Nha (+307,6%)...
Trong khi đó, gạo trắng vẫn là chủng loại được xuất khẩu nhiều nhất trong 5 tháng qua với khối lượng vào khoảng 2 triệu tấn, chiếm 57% cơ cấu chủng loại gạo xuất khẩu.
Tiếp theo là gạo thơm (Jasmine, DT8, KDM, ST24, ST25...) đạt khoảng 1 triệu tấn, chiếm 27,3% tỷ trọng; gạo nếp đạt 470 ngìn tấn và chiếm 12,8% tỷ trọng. Còn lại là là gạo Nhật và nhóm gạo lứt, gạo vi chất…
Trong bối cảnh nguồn cung từ vụ Đông Xuân đã cạn, xuất khẩu gạo của Việt Nam có khả năng sẽ chậm lại cho đến khi bước vào vụ thu hoạch lúa Hè Thu.
Mặc dù vậy, về tổng thể triển vọng ngành gạo vẫn được đánh giá là tương đối tích cực trong thời gian tới do sản lượng tại nhiều quốc gia sản xuất tại châu Á đứng trước nguy cơ sụt giảm trước tác động của El Nino, điều này sẽ thúc đẩy nhu cầu dự trữ cũng như giá gạo trên thị trường quốc tế.
Trong tuần đầu tiên của tháng 6/2023, lượng mưa tại Ấn Độ ghi nhận được thấp hơn 57% so với mức trung bình nhiều năm, chỉ có 9,9 mm thay vì trung bình 23,1 mm. El Nino sẽ làm mùa mưa đến muộn, kết thúc sớm và lượng mưa ít hơn trung bình. Điều này ảnh hưởng khá nhiều đến sản xuất nông nghiệp của Ấn Độ, nơi phần lớn diện tích sản xuất phụ thuộc vào nguồn nước tự nhiên vào mùa mưa.
Tại Thái Lan, Trung tâm Nghiên cứu Kasikorn (KRC) ước tính sản lượng lúa gạo của Thái Lan trong năm nay giảm khoảng 6%, xuống còn 25,1 - 25,6 triệu tấn.
Lo ngại El Nino cũng khiến nhiều quốc gia như Philippines, Trung Quốc, Indonesia, Malaysia và các nước châu Phi đẩy mạnh dự trữ gạo.
Mới đây, Công ty Padiberas Nasional Berhad (Bernas), doanh nghiệp độc quyền nhập khẩu gạo của Malaysia thông báo sẽ nhập khẩu bổ sung thêm 150.000 tấn gạo để đảm bảo nguồn cung trong nước do nhu cầu năm nay dự báo cao hơn năm ngoái.
Trước đó, vào cuối tháng 3, Bộ Thương mại Indonesia cho biết, nước này sẽ nhập khẩu 2 triệu tấn gạo dự trữ quốc gia trong năm 2023, trong đó 500.000 tấn sẽ được thực hiện sớm nhất có thể. Lượng gạo dự trữ quốc gia nhập khẩu sẽ được sử dụng vào chương trình bình ổn giá gạo, hỗ trợ gạo cho 21,53 triệu hộ nghèo và sử dụng cho các mục đích khác. Việt Nam hiện đang là thị trường xuất khẩu gạo lớn thứ hai cho nước này sau Thái Lan, chiếm hơn 40% thị phần.
Còn tại Philippines, Bộ Nông nghiệp Mỹ (USDA) đã nâng dự báo nhập khẩu gạo của nước này lên mức kỷ lục 3,9 triệu tấn trong năm nay từ 3,7 triệu tấn trong dự báo trước. Dựa trên dữ liệu từ Cục Công nghiệp Thực vật Philippines (BPI), tính đến ngày 25/5, Philippines đã nhập khẩu 1,6 triệu tấn gạo, trong đó 87,5% tương ứng 1,4 triệu tấn được nhập khẩu từ Việt Nam.
Ngoài các thị trường kể trên, Trung Quốc cũng đang tăng nhập khẩu gạo Việt Nam sau khi mở cửa trở lại nền kinh tế vào đầu năm nay.
Xuất khẩu gạo sang thị trường châu Âu đặc biệt là gạo chất lượng cao cũng đang có những kết quả khá tích cực. Vào tháng 2 năm nay, lần đầu tiên lô hàng 15 tấn gạo hữu cơ của nông dân tỉnh Quảng Trị được xuất khẩu sang thị trường châu Âu. Đáng chú ý, giá bán gạo hữu cơ sang thị trường châu Âu có giá lên đến 1.500 - 1.800 USD/tấn, gấp 2 – 3 lần giá gạo thường.
Mới đây, USDA nâng dự báo xuất khẩu gạo của Việt Nam năm 2023 lên mức 7,2 triệu tấn, tăng so với 7,05 triệu tấn của năm 2022. Việt Nam được dự báo tiếp tục là nhà xuất khẩu gạo lớn thứ ba thế giới sau Thái Lan và Ấn Độ.
Trước đó, Bộ Công Thương đặt kỳ vọng xuất khẩu gạo năm 2023 có thể đạt khoảng 7 triệu tấn với kim ngạch 4 tỷ USD. Dù khối lượng thấp hơn năm 2022 (7,13 triệu tấn), song kim ngạch cao hơn hẳn (3,45 tỷ USD).
Các chuyên gia trong ngành gạo thì cho rằng giá mặt hàng này lương thực này có thể duy trì ở mức cao trong dài hạn bởi nhu cầu tiêu thụ trên thế giới đã vượt nguồn cung, tồn kho gạo toàn cầu liên tục giảm trong thời gian gần đây.
Theo USDA, dự trữ gạo toàn cầu dự kiến giảm 8,9 triệu tấn xuống còn 173,5 triệu tấn trong niên vụ 2022-2023 và tiếp tục giảm năm thứ ba liên tiếp xuống chỉ còn 170,2 triệu tấn trong vụ 2023-2024.
Tuần qua, giá cà phê thế giới giảm 3,5 – 3,6% do tình trạng khô hạn tại Brazil đã giảm bớt. Giá cà phê trong nước theo đó cũng được điều chỉnh giảm 3.100 – 3.400 đồng/kg, xuống mức bình quân 118.600 đồng/kg.
Tuần qua, giá vàng thế giới ghi nhận xu hướng giám là chủ đạo vì áp lực chốt lời và dữ liệu kinh tế mới nhất từ Mỹ. Giá vàng trong nước, vì vậy, cũng điều chỉnh giảm nhẹ 500.000 đồng/lượng.
Sau khi ghi nhận điều chỉnh tăng rải rác 1.000 đồng/kg trong tuần này, thị trường heo hơi hôm nay giữ giá đi ngang trong khoảng 62.000 - 67.000 đồng/kg.
Giá tiêu hôm nay ngày 8/9 giảm 1.000 đồng/kg ở các địa phương trong điểm. Tuy nhiên, tính chung trong tuần qua giá tiêu đã tăng khoảng 2.000 – 4.000 đồng/kg. Kết thúc 8 tháng đầu năm, xuất khẩu tiêu của Việt Nam sang các thị trường chính như Mỹ, EU, Ấn Độ, UAE.. đều tăng rất mạnh so với cùng kỳ năm ngoái.