Đối với chính phủ Trung Quốc, an ninh lương thực là “nền tảng quan trọng của an ninh quốc gia”. Các cú sốc toàn cầu như đại dịch COVID-19, chiến sự Nga - Ukraine, xung đột Mỹ - Trung và biến đổi khí hậu hẳn sẽ khiến Bắc Kinh lo lắng.
Trong một bài phát biểu vào tháng 2/2024, Chủ tịch Tập Cận Bình từng nhấn mạnh: “Giải quyết vấn đề lương thực cho hơn một tỷ người luôn là ưu tiên hàng đầu của Trung Quốc trong điều hành đất nước”.
Bởi vậy nên, trong giai đoạn 2013 - 2024, ông đã đề cập đến "an ninh lương thực" trong hơn 450 bài phát biểu, cuộc họp và các hoạt động khác, theo một thống kê của Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược Quốc tế (CSIS).
Trong hai bài viết về chủ đề Trung Quốc nuôi sống 1,4 tỷ dân như thế nào, trước tiên người viết sẽ tập trung vào những thách thức liên quan đến vấn đề an ninh lương thực của siêu cường kinh tế lớn thứ hai thế giới.
Tốc độ tăng trưởng kinh tế nhanh chóng của Trung Quốc trong hàng chục năm qua mang lại những lợi ích to lớn lẫn những thách thức mới liên quan đến an ninh lương thực cho quốc gia tỷ dân này.
Về mặt tích cực, nhiều thành tựu kinh tế xã hội đã giúp Trung Quốc giảm đáng kể số dân suy dinh dưỡng. Theo Tổ chức Lương thực và Nông nghiệp Liên Hợp Quốc (FAO), tỷ lệ suy dinh dưỡng của Trung Quốc đã giảm từ 10,3% vào năm 2001 xuống còn 2,5% vào năm 2010.
Đà giảm đó diễn ra cùng lúc với việc thu nhập khả dụng bình quân đầu người hàng năm tăng gấp ba lần từ mức 4.070 nhân dân tệ lên 12.250 nhân dân tệ, theo số liệu chính thức của Trung Quốc.
Tuy nhiên, người dân ngày càng khá giả đã thúc đẩy nhu cầu tiêu thụ thực phẩm tăng vọt. Đặc biệt, với sự xuất hiện của tầng lớp trung lưu thành thị, Trung Quốc đang tiếp tục chuyển đổi từ chế độ ăn giàu ngũ cốc sang những thực phẩm đắt tiền, nhiều thịt hơn.
Ngày nay, Trung Quốc là nước tiêu thụ thịt và cá lớn nhất thế giới. Dữ liệu năm 2023 cho thấy quốc gia tỷ dân tiêu thụ gần 168 triệu tấn thịt và cá - chiếm hơn một phần tư tổng mức tiêu thụ toàn cầu.
Với gần 60 triệu tấn được tiêu thụ mỗi năm, thịt heo là lựa chọn hàng đầu của người Trung Quốc. Nhu cầu thịt khổng lồ cũng trực tiếp tạo ra nhu cầu cao về thức ăn chăn nuôi, đặc biệt là đậu nành.
Cư dân thành thị giàu có cũng hình thành nhu cầu đối với các thực phẩm cần nhiều tài nguyên để sản xuất, chẳng hạn như các sản phẩm từ sữa. Chỉ riêng trong năm 2022, Trung Quốc đã tiêu thụ 64 triệu tấn sữa và nhập khẩu 24 triệu tấn, trở thành nước nhập khẩu sữa lớn nhất thế giới.
Lượng tiêu thụ ngày càng tăng cũng dẫn đến tình trạng lãng phí thực phẩm hơn. Dữ liệu từ Chương trình Môi trường Liên Hợp Quốc (UNEP) cho thấy Trung Quốc là nước lãng phí thực phẩm lớn nhất thế giới, tạo ra hơn 200 triệu tấn thực phẩm bỏ phí vào năm 2022.
Tính theo đầu người, Trung Quốc lãng phí thực phẩm gần ngang bằng với nhiều nền kinh tế phát triển khác. Theo UNEP, mỗi người dân Trung Quốc lãng phí trung bình 142 kg thực phẩm vào năm 2022, thấp hơn một chút so với Mỹ (159 kg/người) nhưng cao hơn nhiều nước láng giềng Nhật Bản (81 kg/người).
Do lo ngại về an ninh lương thực, lãng phí thực phẩm đã trở thành một vấn đề cấp bách đối với Trung Quốc. Bắc Kinh từng khởi xướng nhiều chiến dịch nhằm giảm tình trạng này, đơn cử như chính sách “sạch đĩa” vào năm 2013 và 2020.
Đến năm 2021, Trung Quốc ban hành Luật chống lãng phí thực phẩm để thể chế hoá các cơ chế giám sát và trừng phạt, đặc biệt là đối với các ngành dịch vụ thực phẩm và bán lẻ.
Trung Quốc từ lâu đã tìm cách “tự cung tự cấp” lương thực. Năm 1996, chính phủ đã phát hành một sách trắng về an ninh lương thực, đặt mục tiêu tự cung ứng 95% lượng ngũ cốc tiêu thụ trong nước.
23 năm sau, Bắc Kinh công bố một sách trắng khác, duy trì mục tiêu 95% đối với ngũ cốc và nhấn mạnh nước này phải “an ninh tuyệt đối” đối với hai ngũ cốc chính là gạo và lúa mì.
Để hoàn thành những mục tiêu kể trên, chính phủ xác định sản xuất trong nước là ưu tiên hàng đầu. Trong những năm qua, Trung Quốc đã đạt những thành tựu ấn tượng về sản xuất trong nước và chuyển mình thành nhà sản xuất lương thực lớn nhất thế giới.
Vào năm 2022, Trung Quốc sản xuất được 7,5 tỷ tấn lương thực, nhiều hơn gần 3 tỷ tấn so với quốc gia đứng thứ hai là Ấn Độ. Sản lượng lúa mì trên 1 ha của Trung Quốc cũng cao gấp đôi so với Mỹ.
Theo ước tính của FAO, Trung Quốc - thông qua sản xuất trong nước và nhập khẩu - có thể cung cấp đủ lượng lương thực để đáp ứng 139% nhu cầu calo cơ bản của người dân. Tỷ lệ này cao hơn hẳn Nhật Bản (110%), gần bằng châu Âu (138%) nhưng thấp hơn Mỹ (khoảng 153%).
Mặc dù ghi nhận những bước tiến đáng kể, các nhà lãnh đạo Trung Quốc vẫn nhận thức rõ rằng đất nước đang phải đối mặt với những thách thức lớn về sản xuất lương thực.
Một trong những hạn chế hàng đầu là tình trạng thiếu đất canh tác. Tăng trưởng công nghiệp nhanh chóng, đô thị hoá tràn lan, canh tác quá mức, ô nhiễm lan rộng và tác động ngày càng xấu của biến đổi khí hậu đang gây sức ép đáng kể lên ngành nông nghiệp.
Theo World Bank, tổng diện tích đất canh tác của Trung Quốc đã giảm hơn 12 triệu ha trong giai đoạn 2009 - 2021. Đến năm 2022, tổng diện tích đất canh tác của nước này thấp hơn 31% so với Mỹ, trong khi dân số lại gấp 4 lần.
Bắc Kinh đã tìm cách đảo ngược tình trạng mất đất canh tác. Năm 2006, các nhà lãnh đạo đã thiết lập “lằn ranh đỏ là 120 triệu ha đất canh tác” trong kế hoạch phát triển kinh tế 5 năm lần thứ 11. Chủ tịch Tập Cận Bình đã nhiều lần nhắc lại lằn ranh đỏ này trong các bài phát biểu và chỉ đạo chính thức.
Bên cạnh đó, một số nông dân Trung Quốc dường như đã lạm dụng phân bón để thúc đẩy sản lượng. Từ năm 2000 đến 2015, lượng phân bón sử dụng trên một ha đất canh tác của Trung Quốc đã tăng 67%.
Tuy phân bón có thể làm tăng sản lượng, về lâu dài, chúng cũng làm trầm trọng thêm những vấn đề về đất canh tác như đất mất chất dinh dưỡng, đất ô nhiễm hoặc gây ra tình trạng mất đất.
Năm 2015, Bắc Kinh bắt đầu thúc đẩy chủ trương “không tăng trưởng sử dụng phân bón” trong các văn bản chính sách lớn. Kết quả là, việc sử dụng phân bón đã giảm khoảng 17% vào năm 2022.
Tuy nhiên, quốc gia tỷ dân vẫn là một trong những nước tiêu thụ phân bón hàng đầu thế giới, với tỷ lệ sử dụng cao gấp ba lần so với Mỹ và Liên minh châu Âu.
Những thách thức về an ninh nguồn nước cũng làm trầm trọng thêm các vấn đề của ngành nông nghiệp Trung Quốc. Trung Quốc có lượng tài nguyên nước ngọt gần bằng Mỹ nhưng dân số gấp 4 lần và sử dụng nước ngọt cho nông nghiệp gấp đôi Mỹ.
Chưa kể, nhiều thập kỷ đô thị hoá và công nghiệp hoá nhanh chóng ở miền đông và miền nam đã đẩy trọng tâm sản xuất nông nghiệp của Trung Quốc về phía bắc và phía tây, những khu vực tương đối khan hiếm nước.
Biến đổi khí hậu cũng khiến các vấn đề xấu đi bằng cách gây ra nhiều trận hạn hán, nắng nóng khắc nghiệt và lũ lụt hơn. Một nghiên cứu đăng tải trên nền tảng Europe PMC vào năm 2023 phát hiện ra rằng lượng mưa cực lớn đã khiến năng suất lúa của Trung Quốc giảm 8% trong hai thập kỷ qua.
Nhu cầu thực phẩm tăng chóng mặt và những hạn chế về sản xuất lương thực trong nước đã buộc Trung Quốc phải tìm đến những thị trường nước ngoài.
Trung Quốc lần đầu tiên trở thành nước nhập khẩu lương thực ròng vào năm 2004 và đến năm 2021, quốc gia tỷ dân đã vượt qua Mỹ để trở thành nước nhập khẩu lương thực lớn nhất thế giới.
Theo ước tính từ dự án ChinaPower thuộc CSIS, Trung Quốc đã nhập khẩu lượng thực phẩm trị giá khoảng 215 tỷ USD vào năm 2023.
Do đó, khả năng tự cung tự cấp nói chung của Trung Quốc đã giảm từ 94% vào năm 2000 xuống còn 66% vào năm 2020. Các chuyên gia cảnh báo tỷ lệ này có thể tụt xuống còn 59% vào năm 2030.
Dữ liệu chính thức cho thấy sự không đồng đều trong các sản phẩm nhập khẩu. Ở một số danh mục, chẳng hạn như rau củ, Trung Quốc có thể đáp ứng gần như toàn bộ nhu cầu thông qua sản xuất trong nước.
Song, đối với các mặt hàng khác, họ lại phụ thuộc rất nhiều vào nước ngoài. Đơn cử, Trung Quốc nhập khẩu hơn 80% lượng đậu nành từ nước ngoài, chủ yếu là từ Brazil và Mỹ.
Quy mô nhập khẩu thực phẩm lớn khiến Trung Quốc dễ bị ảnh hưởng khi giá thực phẩm toàn cầu biến động. Khi giá thế giới tăng đột biến, nguồn cung của sản phẩm đó trên thị trường nội địa của Trung Quốc có thể bị siết chặt, dẫn đến tình trạng thiếu hụt và lạm phát.
Một nghiên cứu vào năm 2024 do Quỹ Khoa học Tự nhiên Quốc gia Trung Quốc tài trợ phát hiện ra, những cú sốc giá lương thực quốc tế chiếm khoảng 20% biến động trong tỷ lệ lạm phát toàn phần của Trung Quốc từ năm 1998 đến 2023.
Sự bất ổn về giá lương thực toàn cầu đôi khi đặt ra những thách thức lớn cho Bắc Kinh. Năm 2018, một đợt bùng phát dịch tả heo châu Phi đã lan từ châu Âu sang Trung Quốc, khiến nước này mất khoảng 28 triệu tấn thịt heo trong ba năm.
Dịch bệnh đã gây căng thẳng cho nguồn cung thịt heo (loại protein được tiêu thụ nhiều nhất ở Trung Quốc), buộc Bắc Kinh phải nhanh chóng tăng quy mô nhập khẩu với chi phí cao.
Các quan chức Trung Quốc từng lo ngại về cuộc khủng hoảng, một số người gọi đây là “ưu tiên quốc gia” và Bắc Kinh phải sử dụng thịt heo dự trữ để ổn định giá thịt trong nước.
Chiến sự Nga - Ukraine bùng nổ vào năm 2022 cũng gây ra tình trạng hỗn loạn trong thương mại lương thực toàn cầu. Nhiều nước xuất khẩu lương thực lớn như Ấn Độ đã bắt đầu hạn chế bán hàng ra nước ngoài để kìm chế giá trong nước.
Cho nên khi đó, Trung Quốc phải đối mặt cùng lúc với hai vấn đề: nhập khẩu ngũ cốc giảm và giá nhập khẩu tăng. Dữ liệu chính thức cho thấy lượng ngũ cốc Trung Quốc nhập khẩu vào năm 2022 thấp hơn 10% so với năm trước nhưng phải trả giá cao hơn 9%.
Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình khẳng định việc Trung Quốc tập trung vào sản xuất là đúng đắn, nhưng các nhà kinh tế cho rằng chiến lược này đã dẫn đến tình trạng mất cân bằng kinh tế toàn cầu và cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung.
Các quan chức y tế ở Singapore và Thái Lan khuyến cáo người dân nên tiêm mũi vắc xin tăng cường sớm nhất có thể.
Trung Quốc đang tranh thủ các điều kiện thuận lợi để nới lỏng chính sách tiền tệ, hỗ trợ cho nền kinh tế.
CEO Jamie Dimon của gã khổng lồ ngân hàng JPMorgan cảnh báo rủi ro Mỹ rơi vào tình trạng lạm phát đình trệ cao hơn những gì mọi người nghĩ.