Theo thông tin Thống đốc Ngân hàng Nhà nước (NHNN) Nguyễn Thị Hồng cho biết mới đây, chậm nhất là đầu tuần này sẽ thông báo về hạn mức tăng trưởng tín dụng điều chỉnh trong khoảng còn lại của mục tiêu 14% để thuận tiện cho việc triển khai thực hiện gói hỗ trợ lãi suất 2%, cũng như đáp ứng nhu cầu vốn để thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và phục hồi sản xuất, kinh doanh.
Đây có lẽ là thông tin được nhiều người dân và doanh nghiệp mong đợi từ lâu trong bối cảnh nhiều ngân hàng đang cạn hạn mức cho vay.
TS. Cấn Văn Lực, Thành viên Hội đồng Tư vấn - Chính sách Tài chính Tiền tệ Quốc gia nhận định, NHNN còn băn khoăn chuyện chưa nới room tăng trưởng tín dụng do hai nguyên nhân là lo ngại lạm phát, thanh khoản hệ thống ngân hàng.
Tuy nhiên, thanh khoản hệ thống ngân hàng hiện nay vẫn trong tầm kiểm soát. Đơn cử, tỷ lệ cho vay so với vốn lưu động từ thị trường 1 (huy động vốn từ dân cư và tổ chức) theo tính toán sơ bộ đến thời điểm hiện nay khoảng 92%, vẫn ở ngưỡng an toàn, chưa kể thị trường 2 (nơi hệ thống ngân hàng có thể vay mượn lẫn nhau).
Bên cạnh đó, tỷ lệ vốn ngắn hạn cho vay trung và dài hạn hiện nay cả hệ thống ngân hàng đang ở mức 25,2% và ngưỡng cho phép của NHNN bắt đầu từ 1/10 năm nay là 34%, tức là vẫn trong tầm kiểm soát.
Ông Lực cho rằng, NHNN lo lắng là do hiện nay vốn huy động chủ yếu của các ngân hàng là vốn ngắn hạn và cho vay một phần là trung và dài hạn. Song, theo quan sát, dòng vốn trung và dài hạn chảy vào hệ thống các ngân hàng đã và đang mạnh hơn, đặc biệt là từ tháng 5,6,7 vừa qua. Tỷ trọng vốn ngắn hạn và trung dài hạn hiện nay đã khác không còn ở tỷ lệ 20% - 80% như trước đây mà đã cải thiện hơn rất nhiều.
“Nếu chờ đợi đến quý IV mới nới room, tôi cho rằng hơi muộn và có thể sẽ mất cơ hội. NHNN cần lưu ý đến vấn đề này và theo tôi nên xem xét trong tháng 9, bởi nếu không khơi thông sớm sẽ bị mất cơ hội, tăng nợ đọng lẫn nhau cực kỳ nguy hiểm và nợ xấu ngân hàng tăng lên. Lưu ý rằng, nhu cầu vốn tín dụng trong năm nay tăng trưởng cao gắn với nhu cầu thực hơn so với trước rất nhiều do nền kinh tế phục hồi, sản xuất kinh doanh được đẩy mạnh, doanh nghiệp có nhu cầu vốn để hoạt động”, vị này nói.
Trong khi đó, TS. Lê Xuân Nghĩa Thành viên Hội đồng Tư vấn - Chính sách Tiền tệ Quốc gia cho rằng, Việt Nam vẫn có cơ hội xem xét nới room tín dụng lên 15 - 16% nếu kiểm soát được và đưa lạm phát về dưới mức kỳ vọng.
Trong báo cáo vừa phát hành, các chuyên gia thuộc FiinRatings kỳ vọng, thị trường trái phiếu doanh nghiệp sẽ dần sôi động trở lại vào đầu quý IV/2022 tới đây khi Nghị định 153 (sửa đổi) được ban hành và có hiệu lực chính thức như kế hoạch được thông báo bởi Bộ Tài chính. Mặc dù vậy, sẽ không thể sôi động ngay lại như nửa cuối năm 2021.
Đồng thời, các quy định mới như dự thảo hiện nay nếu đi vào áp dụng sẽ góp phần làm cho các doanh nghiệp niêm yết hoặc các doanh nghiệp chủ động minh bạch hóa thông tin và hồ sơ tín dụng để hướng đến các nhà đầu tư tổ chức cùng chia sẻ rủi ro và kỳ vọng mức lãi suất phù hợp,…
Theo TS. Cấn Văn Lực, việc sửa Nghị định 153 chắc chắn sẽ giúp thị trường lành mạnh hơn, an toàn hơn cho cả doanh nghiệp và nhà đầu tư. Kênh trái phiếu doanh nghiệp kỳ vọng sôi động trở lại, dù không bùng nổ như hai năm vừa qua nhưng mức tăng trưởng khả thi có thể đạt 30 – 35%.
Ông Nguyễn Thọ Tuyển, Chủ tịch BHS Group nhận định, bức tranh thị trường bất động sản Việt Nam hiện tại giống như một mớ "tơ vò", không thể khẳng định được đang diễn biến tốt hay xấu.
Vị này cho rằng, có ba nguyên nhân chí tử dẫn đến thực trạng thị trường bất động sản như hiện nay, đó là pháp lý, tín dụng và mức giá tăng nóng. Từ ba yếu tố này, thị trường đến năm 2023 sẽ có nhiều dấu hiệu tích cực. Bởi, khả năng pháp lý được tháo gỡ là cao. Từ giờ đến cuối năm vẫn có đợt tín dụng mới cho các dự án tốt, đến năm 2023 sẽ lại có room tín dụng mới.
Ông Tuyển dự báo, trong thời gian tới, các bất động sản phụ vụ nhu cầu thực phụ vụ nhu cầu để ở như chung cư tại các thành phố lớn, nhà ở xã hội, nhà ở cho công nhân,… sẽ lên ngôi. Ngược lại, những sản phẩm đầu cơ như hiến đất làm đường, phân lô tách sổ đất rừng,… hết đất diễn.
"Thị trường bất động sản đang trong giai đoạn thanh lọc rất mạnh để chọn ra những chủ đầu tư tốt và những người tham gia vào thị trường hiện tại đều là nhà đầu tư có chọn lọc. Và tôi khẳng định, thị trường sẽ trụ vững qua giai đoạn khó khăn này chứ không đổ vỡ như một số dự báo”, vị này nhấn mạnh.
Còn theo đánh giá của TS. Cấn Văn Lực, thị trường bất động sản đang trong giai đoạn điều chỉnh và có sự sàng lọc. Thị trường sẽ phục hồi ở một số phân khúc như nhà ở, khu công nghiệp,… và phục hồi rõ nét hơn bắt đầu từ quý IV năm nay. Tuy nhiên, thị trường hiện vẫn còn tâm lý chờ đợi và dòng tiền thông minh sẽ dịch chuyển kênh đầu tư.
Ba thửa số 108-112B-114 đường Hồng Hà, 428 và 430 Nguyễn Tất Thành, TP HCM vướng sai phạm về chuyển nhượng quyền sử dụng đất, theo Thanh tra Chính phủ.
Nissan Motor sẽ cắt giảm hoặc chuyển đổi khoảng 1.000 việc làm tại Thái Lan do hãng xe Nhật Bản này đang thu hẹp quy mô sản xuất.
Giá bán sơ cấp của nhiều dự án chung cư triển khai ở thị trường các tỉnh phía Nam ghi nhận đà tăng nhanh, trung bình từ 5-10% chỉ trong vài tháng.
Giỏ hàng biệt thự, liền kề sơ cấp có xu hướng tăng ở phía Nam và phía Bắc Hà Nội trong bối cảnh quỹ đất nội thành ngày càng hạn chế.