Theo số liệu từ Cục Hải quan, trong tháng 4, xuất khẩu gạo của Việt Nam đạt 1,12 triệu tấn, trị giá 560,22 triệu USD, tăng 3,7% về lượng và 5,6% về trị giá so với tháng trước, đồng thời so với cùng kỳ năm ngoái tăng 11,7% về lượng và giảm 9,6% về trị giá.
Lũy kế trong 4 tháng đầu năm, xuất khẩu gạo đạt 3,43 triệu tấn, trị giá 1,76 tỷ USD, tăng 8,1% về lượng nhưng lại giảm 13,3% về trị giá so với cùng kỳ năm 2024.
Nguyên nhân chủ yếu là do giá gạo xuất khẩu bình quân của Việt Nam trong 4 tháng đầu năm chỉ đạt 515 USD/tấn, giảm tới gần 20% (128 USD/tấn) so với cùng kỳ năm ngoái. Tính riêng trong tháng 4, giá xuất khẩu đạt 501 USD/tấn, tăng nhẹ 1,8% so với tháng trước, nhưng vẫn thấp hơn 19,1% so với tháng 4/2024.
Giá gạo xuất khẩu đã bước vào chu kỳ điều chỉnh mạnh kể từ cuối năm 2024, do nguồn cung toàn cầu tăng sau khi Ấn Độ dỡ bỏ lệnh cấm xuất khẩu kéo dài 14 tháng.
Việc Ấn Độ đẩy mạnh xuất khẩu để giảm tồn kho kỷ lục, có thể khiến giá gạo toàn cầu sẽ duy trì ở mức thấp trong thời gian tới. Điều này đặt ra thách thức không nhỏ cho các nhà xuất khẩu Việt Nam trong nỗ lực duy trì lợi nhuận, thị phần.
Ngành lúa gạo Việt Nam khép lại quý I với kết quả kinh doanh kém khả quan. Dù sản lượng xuất khẩu tăng, nhưng không đủ bù đắp mức sụt giảm mạnh của giá bán, khiến nhiều doanh nghiệp rơi vào tình trạng thua lỗ hoặc chỉ duy trì được biên lợi nhuận rất thấp.
Mặc dù vậy, với mức giá cạnh tranh và nhu cầu cao từ các thị trường truyền thống, Bộ Nông nghiệp Mỹ (USDA) dự báo Việt Nam sẽ vượt Thái Lan để vươn lên vị trí nước xuất khẩu gạo lớn thứ hai thế giới trong năm 2025 và 2026, với sản lượng khoảng 7,9 triệu tấn. Trong khi đó, xuất khẩu gạo của Thái Lan dự kiến đạt từ 7 đến 7,2 triệu tấn.
Đồng thời USDA dự báo sản lượng gạo toàn cầu trong niên vụ 2025-2026 sắp tới được dự báo tăng 1 triệu tấn so với niên vụ 2024-2025, lên mức kỷ lục mới là 538,7 triệu tấn. USDA cho rằng sản lượng tăng nhưng tình trạng thiếu hụt nguồn cung có thể quay trở lại vì nhu cầu tiêu thụ tăng thêm tới 6,1 triệu tấn, nâng tổng số lên 538,8 triệu tấn.
Thương mại gạo toàn cầu dự kiến tiếp tục gia tăng trong năm 2025 và 2026 với khối lượng lần lượt đạt 60,5 triệu tấn và 61,3 triệu tấn. Trong đó, Ấn Độ được dự báo sẽ tiếp tục giữ vị thế thống trị, qua đó hạn chế tăng trưởng xuất khẩu của một số nhà cung cấp lớn khác tại châu Á như Việt Nam, Pakistan và Myanmar.
Chi tiết thị trường gạo tháng 4/2025 tại đây:
Nhập khẩu vàng của Trung Quốc tăng trong bối cảnh Ngân hàng Trung ương nới lỏng hạn ngạch nhập khẩu kim loại quý này và nhu cầu trong nước mạnh mẽ.
Các chuyên gia cho rằng thị trường heo hơi sẽ tiếp tục kéo dài xu hướng đi ngang tại nhiều địa phương do nguồn cung - cầu vẫn khá cân bằng.
Nhập khẩu từ một số quốc gia thuộc top 4 nguồn cung thép nước ngoài cho Việt Nam tăng vọt. Trong đó, lượng nhập khẩu từ Indonesia tăng gấp đôi so với cùng kỳ năm ngoái.
Dù thế giới đang thúc đẩy chuyển đổi xanh trong ngành thép, một nghiên cứu mới cho thấy công nghệ lò cao – vốn phát thải nhiều khí nhà kính – vẫn tiếp tục mở rộng, đặc biệt tại Ấn Độ và Trung Quốc.